Hướng đến nền tín dụng “vì người nghèo”

25/11/2013
(VBSP News) Tỉnh Lào Cai hiện có 164 xã, phường, thị trấn, thì có tới 146 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đến chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số bằng chính sách tín dụng ưu đãi và đạt được hiệu quả lớn.
Thảo quả là cây mũi nhọn của tỉnh Lào Cai

Thảo quả là cây mũi nhọn của tỉnh Lào Cai

Ông Vù A Páo, thôn Nậm Than, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa là một trong những hộ tiêu biểu đã thoát nghèo nhờ vốn vay thuộc chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Trước đây, hộ ông Páo thuộc diện nghèo của xã Nậm Cang do thiếu vốn, thiếu sức kéo trong sản xuất nông nghiệp và thiếu lao động. Một hôm, trong cuộc họp thôn, ông và nhiều gia đình khác được phổ biến về chính sách cho vay “vì người nghèo” để phát triển kinh tế và ông Páo đăng ký vay 30 triệu đồng với thời hạn 5 năm. “Có tiền, tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng thảo quả và phát triển chăn nuôi, nhờ đó mà năm 2013, thu nhập của gia đình đạt trên 150 triệu đồng” - ông Vù A Páo cho biết. Xuất phát là hộ nghèo, đến nay, gia đình ông Páo trở thành hộ có kinh tế khá trong thôn. Ngoài gia đình ông Páo, còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Sa Pa nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung được tiếp cận vốn vay ưu đãi và đã thoát nghèo, thậm chí trở thành những triệu phú nông dân.

NHCSXH huyện Sa Pa còn được giao trọng trách phân bổ và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho vay ưu đãi dành cho hộ nghèo thông qua một số chương trình cho vay như: Giải quyết việc làm, HSSV, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định 167, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… Qua đó, đã tiếp sức cho gần 18.000 HSSV nghèo có cơ hội đến trường, gần 132.000 lao động có việc làm ổn định và giúp cải thiện cuộc sống cho gần 100.000 hộ dân, góp phần quan trọng vào mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh còn 27,69%.

Hầu hết người dân được thụ hưởng chính sách cho vay đều được các hội, đoàn thể thông tin, tư vấn và tạo điều kiện tiếp cận vốn vay. Việc cung ứng vốn đối với nhu cầu của hộ nghèo đủ và kịp thời qua nhiều kênh. Bình xét hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn được công khai tại các cuộc họp thôn, thông qua đề xuất của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Vì vậy, công tác giải ngân đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Ông Trần Duy Đông - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai cho biết: Đến thời điểm này, có 44.000 hộ nghèo còn dư nợ tại NHCSXH và mỗi năm có từ 7% - 9% số hộ thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi. Những con số này thể hiện sự nỗ lực lớn của những người làm công tác tín dụng “chính sách xã hội”.

Để chính sách tín dụng ưu đãi đến tận tay hộ nghèo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận là do phương thức quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách một cách hiệu quả. NHCSXH thực hiện giải ngân và thu nợ theo nguyên tắc trực tiếp, không thông qua trung gian với việc xây dựng Điểm giao dịch cố định tại 159/164 xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Các Điểm giao dịch này đều nằm trong khuôn viên UBND xã, thị trấn, tại đó có các thông báo công khai các chính sách tín dụng ưu đãi. Qua đó, phát huy tính minh bạch, hạn chế thất thoát, xâm tiêu, chiếm dụng nguồn vốn ưu đãi.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã thực hiện ký kết văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác với các hội, đoàn thể các cấp. Với phương thức này đã hình thành mạng lưới hoạt động cho vay rộng khắp đến các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản xa xôi. Các cán bộ hội, đoàn thể cũng là người gần dân, sát dân, hiểu và nắm rõ tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó tuyên truyền và hướng dẫn các hộ dân sử dụng vốn vay hiệu quả hơn. NHCSXH còn thực hiện kiện toàn và duy trì hoạt động của 2.555 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo phương thức hoạt động mới. Mô hình này, góp phần giúp hộ nghèo kịp thời tiếp cận vốn ưu đãi, giảm chi phí trong quản lý vốn tín dụng. Hiện, dư nợ tại các hội, đoàn thể đang quản lý đạt 1.734 tỷ đồng, chiếm 99% tổng dư nợ của NHCSXH.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tác động tích cực đến việc thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh. Từ nguồn vốn này, người dân, nhất là hộ nghèo đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất cách tác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.

Theo Báo Lào Cai

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác