Chắp cánh tương lai cho HSSV nghèo
Những người đồng cảnh ngộ
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học cũng là ngày niềm vui xen lẫn nỗi lo đối với gia đình bạn Nguyễn Thị Việt Trinh - lớp 4TH, trường Đại học Bạc Liêu. Nhà nghèo, đất canh tác ít, thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy công đất ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm, vậy mà ba mẹ Trinh vẫn gồng gánh để các con được cắp sách đến trường. Ngày nhập trường cận kề, cũng là lúc ba mẹ em phải chạy vạy tiền nong để em đóng học phí, trang trải cuộc sống trong môi trường học tập mới. Thấy ba mẹ quá nhọc nhằn, nhiều lúc Trinh muốn bỏ học, ở nhà phụ giúp ba mẹ để nuôi hai em ăn học. Khó khăn là thế, nhưng hễ Trinh đề cập đến việc bỏ học là ba mẹ la rầy. Và khó khăn lại càng chồng chất khi em gái kế Trinh lại trúng tuyển chuyên ngành Kỹ thuật quản lý công nghiệp của trường Đại học Cần Thơ.
Bạn Nguyễn Trung Tính ngụ xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, sinh viên năm cuối chuyên ngành tài chính - ngân hàng trường Đại học Cần Thơ nhớ lại: “Em đậu đại học trong lúc gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, niềm vui bỗng chốc trở thành nỗi lo. Thu nhập từ vài công ruộng quanh năm thất bát không đủ để gia đình trang trải cuộc sống, khiến em gần như phải từ bỏ ước mơ bước vào giảng đường…”.
Trinh và Tính chỉ là hai trong rất nhiều sinh viên nghèo của Bạc Liêu đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong, ngoài tỉnh. Dù đã cố gắng, nhưng nhiều lúc các bạn cũng cảm thấy đuối sức và cần lắm sự chung tay, tiếp sức của Nhà nước thông qua những gói vay, chương trình tín dụng với lãi suất thấp.
Vững một niềm tin
Chương trình tín dụng HSSV được thực hiện từ nhiều năm nay, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế mà chính sách có sự điều chỉnh hợp lý theo từng năm học. Đây được xem là một chính sách đúng đắn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chắp cánh tương lai cho những hiền tài. Chương trình ra đời đã giúp nhiều HSSV nghèo trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có HSSV ở tỉnh Bạc Liêu giảm bớt lo toan về tài chính mà chuyên tâm cho việc học. Từ mức vốn vay được áp dụng vài trăm nghìn đồng/tháng/HSSV, đến nay mức vốn vay đã tăng lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV và lãi suất là 0,65%/tháng.
Tính đến tháng cuối 10/2013, toàn tỉnh Bạc Liêu có 11.864 HSSV vay với tổng dư nợ gần 184 tỷ đồng. Theo ông Đàm Lê Đạo - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh: “Nguồn vốn cho vay hằng năm được Trung ương thông báo tăng theo mỗi năm từ 30 - 40 tỷ đồng, vốn thu hồi hằng năm khoảng 30 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm đơn vị có khoảng 60 tỷ đồng để cho vay, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn”. Cũng theo ngân hàng này, hầu hết sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, chí thú làm ăn và nghiêm túc hoàn trả nợ, vì thế công tác thu hồi vốn diễn ra thuận lợi. Riêng đối với các đối tượng vay khi ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, hoặc gặp rủi ro, tai nạn thì ngân hàng sẽ tiếp tục gia hạn, hoặc khoanh nợ, xóa nợ tùy vào hoàn cảnh thực tế.
Từ chính sách tín dụng trên, mà những HSSV nghèo như Trinh, Tính tiếp tục vững tin trên giảng đường đại học. Từ nguồn vốn tín dụng, vấn đề học phí không còn là nỗi lo canh cánh bên lòng mỗi khi các em nghĩ về gia cảnh. Và đó cũng là nguồn động lực để các em hoàn thành tốt việc học, sớm tìm được công việc ổn định để trả nợ, thay đổi cuộc sống.
Theo Báo Bạc Liêu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khi phụ nữ làm kinh tế
- » Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà - Ủy viên HĐQT NHCSXH kiểm tra, giám sát tại tỉnh Đồng Nai
- » Lạng Sơn xử lý kịp thời các khoản nợ rủi ro
- » Tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật “Vệ sinh hộ gia đình gắn kết nhu cầu của người dân với hỗ trợ vốn vay ưu đãi”
- » Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được Phú Thọ thực hiện hiệu quả
- » “Thắng” ngay vụ đầu
- » Ý thức trả nợ của khách hàng là rất tốt
- » NHCSXH HUYỆN CHI LĂNG: 10 tháng đạt gần 100% kế hoạch tín dụng năm 2013
- » Lâm Đồng phối hợp với các hội, đoàn thể xử lý nợ quá hạn
- » Bắc Giang tăng trưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi