Bắc Giang tăng trưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi

21/11/2013
(VBSP News) Nhờ bám sát sự chỉ đạo điều hành của Trung ương và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và đặc biệt là 4 tổ chức hội, đoàn thể thực hiện uỷ thác, triển khai hiệu quả công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Tính riêng 10 tháng năm 2013 doanh số cho vay toàn tỉnh đạt trên 453 tỷ đồng, tăng hơn 57 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng sau 11 năm xây dựng, phát triển lên trên 2.584 tỷ đồng với trên 130.000 khách hàng dư nợ, mức dư nợ bình quân là 20 triệu đồng/hộ, cao hơn 5 lần so với năm 2003.
Vốn vay ưu đãi được NHCSXH tỉnh Bắc Giang giải ngân ngay tại UBND xã/phường/thị trấn

Vốn vay ưu đãi được NHCSXH tỉnh Bắc Giang giải ngân ngay tại UBND xã/phường/thị trấn

Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang, 11 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai sâu rộng đến 100% số xã/phường trong phạm vi toàn tỉnh, với quy mô và đối tượng thụ hưởng không ngừng được mở rộng phù hợp với thực tế mọi lúc, mọi nơi. Nguồn vốn ưu đãi cũng được ưu tiên đầu tư cho huyện vùng cao Sơn Động thuộc chương trình 30a, tập trung cho 85 xã nằm trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và 40 xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015… để góp phần cải thiện cuộc sống, tạo việc làm cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, sau 11 năm thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn bình quân hằng năm trên 4%, đã xây dựng được hơn 9.000 ngôi nhà vững chắc cho hộ nghèo. Chương trình tín dụng HSSV ở tỉnh Bắc Giang đang có dư nợ đứng vị trí thứ 2, chiếm 34% tổng dư nợ toàn tỉnh, cao thứ 5 toàn quốc với 77.534 HSSV vay vốn thực hiện ước mơ nơi giảng đường đại học, cao đẳng, trong đó có 17.000 em đã ra trường có việc làm ổn định và hoàn thành trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn, đồng thời đóng góp khôi phục, mở mang các làng nghề truyền thống, phát triển mô hình sản xuất hàng hóa như: Sản xuất bánh đa kê Bắc Giang, nuôi gà đồi Yên Thế, thâm canh vải thiều Lục Ngạn… Đặc biệt, từ tháng 4/2013 đến nay, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương tiếp nhận vốn từ Trung ương chuyển về, thẩm định hồ sơ xin vay của hộ cận nghèo, phấn đấu giải ngân hết số vốn bổ sung trong tháng 11 này. Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Đến 31/10/2013, dư nợ cho vay hộ cận nghèo tại NHCSXH ở 10 huyện, thành phố đạt xấp xỉ 96 tỷ đồng với 3.788 khách hàng đang dư nợ. Hiện tại, NHCSXH tỉnh vừa được Trung ương giao bổ sung 55 tỷ đồng để nâng tổng số vốn dành cho chương trình này của năm 2013 tại Bắc Giang lên 150,8 tỷ đồng. “Quá trình triển khai chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo, chúng tôi có thuận lợi cơ bản là đã xây dựng được một mạng lưới Điểm giao dịch phủ kín các xã/phường/thị trấn và 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn đúng quy định, với số Tổ tiết kiệm và vay vốn sau kiện toàn là 3.845 tổ, hiện đã được tập huấn làm công tác tín dụng chính sách tại thôn, xóm, bản, làng. Cùng với đó các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác đã quen với quy trình, thủ tục cho vay vốn ưu đãi và phối hợp rất chặt chẽ với ngân hàng để giải quyết kịp thời mọi vướng mắc phát sinh, đảm bảo tất cả các hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận với tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi nhất” - ông Ngô Gia Quát khẳng định.

Để hoàn thành kế hoạch trước thời gian, trong những tháng còn lại, NHCSXH tỉnh Bắc Giang tiếp tục làm tốt công tác điều hành kế hoạch và dự báo nguồn vốn thu hồi, tập trung giải ngân các chương trình không để tồn đọng vốn; xử lý triệt để số nợ quá hạn đảm bảo kịp thời, đúng quy định, nâng cao kết quả thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, không có xã nào xếp loại chất lượng tín dụng trung bình, yếu kém; tiếp tục nâng cao hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn sau kiện toàn đi vào nề nếp, và tăng cường việc phối hợp giữa NHCSXH với cấp uỷ, chính quyền, đơn vị nhận uỷ thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn cấp xã, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác