Thoát nghèo nhờ vay vốn

14/11/2013
(VBSP News) Được hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, hàng nghìn hộ nông dân của tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống.
Được vay vốn ưu đãi, chị Nhượng đã đầu tư hiệu quả vào nuôi trâu sinh sản

Được vay vốn ưu đãi, chị Nhượng đã đầu tư hiệu quả vào nuôi trâu sinh sản

Trước đây, gia đình chị Trần Thị Ba ở thôn Gia Khau, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Chồng chị đau ốm thường xuyên, một mình chị lao động nuôi 3 con nhỏ; gia đình chị phải ở trong nhà tranh vách đất. Năm 2005, niềm vui đến với gia đình chị khi được chính quyền, bà con giúp đỡ xây dựng ngôi nhà Đại đoàn kết. Từ đó, chị Ba càng có động lực khắc phục khó khăn nuôi chồng bệnh tật và các con ăn học. Nhưng cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám gia đình chị. Rồi khi được vay vốn ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, chị đầu tư mua bò sinh sản, lợn nái và chịu khó làm thêm nghề phụ hồ trong những ngày nông nhàn. “Năng nhặt chặt bị”, lứa lợn đầu tiên được 13 con, chị thu về hơn 5 triệu đồng, cùng với rừng cây đã đến kỳ thu hoạch, cảnh nhà cũng bớt khó khăn hơn. Đến năm 2013, gia đình chị đã chính thức được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nhượng ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương cũng là một trong những hộ nghèo được vay vốn ưu đãi. Với 30 triệu đồng, chị thêm thắt mua trâu sắp đến kỳ sinh sản bởi chị nghĩ, nhà nông cần sức kéo để sản xuất nông nghiệp và chị cũng cần nhanh chóng thu hồi vốn. Chị Nhượng đặt hy vọng rất nhiều vào chú nghé con mới ra đời. Số tiền bán nghé chị đã đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt. Ban đầu, chị nuôi 3 con lợn, lứa đầu tiên thành công, giúp chị phần nào trang trải cuộc sống gia đình. Chị Nhượng cho biết, cứ như thế này nếu chịu khó và biết cách chắt chiu, dành dụm, gia đình chị sẽ thu hồi vốn nhanh chóng. Mặc dù nguồn vốn ưu đãi còn ít nhưng rất quý đối với những người như chị, không có nó chị không biết xoay xở vào đâu để có cuộc sống tạm ổn như ngày hôm nay. Chồng chị bị bệnh tiểu đường nặng, không còn sức lao động và phải thuốc thang thường xuyên, mình chị lam lũ với 4 sào ruộng để nuôi hai con ăn học.

Có hoàn cảnh khó khăn tương tự như gia đình chị Nhượng, chị Ba, hàng nghìn hộ nghèo khác đã vươn lên thoát nghèo từ vay vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt trên 412 tỷ đồng với gần 21.000 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 400 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn này.

Thời gian qua, NHCSXH các huyện đã quản lý tốt nguồn vốn cho vay các chương trình và sử dụng đúng mục đích, bảo đảm việc thu hồi vốn. Hầu hết các đơn vị đều thực hiện mô hình ngân hàng xã lưu động tại các xã/phường, nhằm đẩy mạnh hình thức ủy thác vốn vay cho các hội, đoàn thể, để những chương trình tín dụng ưu đãi đáp ứng kịp thời nhu cầu của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Đối tượng được vay vốn thông qua các tổ chức hội được Ban giảm nghèo của xã xác nhận. Ngân hàng xét duyệt các tiêu chuẩn vay vốn chính sách đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Trong hoạt động ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Tổ trưởng cùng các thành viên đều có trách nhiệm theo dõi, giám sát các thành viên khác trong việc sử dụng vốn. Trước ngày đến hạn, cán bộ tổ đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở, nắm bắt tình hình. Nếu có khó khăn đột xuất không trả đúng hạn sẽ cùng phối hợp với ngân hàng có biện pháp giúp đỡ, giải quyết kịp thời. Các tổ còn tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình cách làm ăn hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Thức, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương cho biết, hiện tổ chị đang quản lý 23 hộ nghèo vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện. Nhận ủy thác vay vốn, chị hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Các hộ nghèo được vay vốn ở tổ chị đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Ðến nay, nhiều hộ làm ăn thuận lợi, đã trả hết nợ, vươn lên thoát nghèo. Chỉ trong năm 2012, tổ chị đã có 3 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn này.

Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, hiệu quả của chương trình cho vay hộ nghèo được thể hiện qua tỷ lệ giảm nghèo từng năm và sự thay đổi cuộc sống của mỗi hộ gia đình được vay vốn. Những khoản vay tuy không lớn nhưng là cơ sở ban đầu, cộng thêm hỗ trợ về kiến thức thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng kinh nghiệm của những người vay trước đã giúp nhiều gia đình mở lối thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Bài và ảnh Hồng Yến - Quang Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác