Làm theo cán bộ sẽ hết nghèo
Theo bà Giàng Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tam Đường, để hỗ trợ các hội viên có vốn phát triển kinh tế, tiến tới giảm nghèo bền vững hội đã thực hiện nhiều chương trình, trong đó: Ký ủy thác với NHCSXH để tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp cho hội viên là một chương trình quan trọng. Đến nay, tổng số vốn vay tín dụng ưu đãi do hội quản lý trên 41 tỷ đồng, cho 1.848 hộ vay. Hội đã thành lập được 43 mô hình tiết kiệm, có 756 hội viên tham gia, với mức tiết kiệm 5.000 - 10.000 đồng/hội viên, tổng số tiền đã huy động được trên 56,2 triệu đồng. Số tiền này đối với chị em miền xuôi không nhiều, nhưng với một huyện nghèo miền núi, đặc biệt đối với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số theo lời bà Hoa “là một sự thay đổi lớn về ý thức sử dụng đồng tiền”!
Có vốn chưa đủ. Với những nông dân nghèo người Mông, người Dao, Giáy ở vùng cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một cuộc Cách mạng, đòi hỏi cán bộ hội, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm phải kiên trì thuyết phục, giảng giải và hướng dẫn cụ thể theo cách “cầm tay chỉ việc” mới hiệu quả. Chị Ma Thị Mỳ ở bản Sùng Phải, xã Sùng Phài tâm sự: Ở đây, nhiều người tiếng phổ thông còn chưa thạo, nên mỗi lần tập huấn khuyến nông, cán bộ phải nói tiếng địa phương bà con dân bản mới hiểu. Khi dân đã biết, đã tin rồi thì sẽ đồng lòng làm theo. Họ cho rằng, làm theo cán bộ sẽ hết nghèo.
Sơn Bình là một xã thuần nông, 100% phụ nữ dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống khó khăn. Toàn xã có 851 hội viên, trong đó có 208 hội viên nghèo. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo cao do hội viên thiếu vốn, thiếu kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi. Để hội viên thoát nghèo, Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Qua đó, thành lập được 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 475 hội viên, vay 7 tỷ đồng. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều chị em đã thoát nghèo bền vững. Chị Nguyễn Thị Mến ở bản 46 là một ví dụ. Trước đây, gia đình chị Mến nghèo đói triền miên, qua nhiều lần tập huấn cán bộ khuyên nông cho biết cây dong riềng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Năm 2008, qua Hội Phụ nữ chị được vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Vốn vay của NHCSXH, cộng thêm ít vốn gia đình tích cóp được chị trồng 1ha dong riềng, mua máy chế biến miến dong bán ra thị trường. Sau 3 năm nỗ lực sản xuất, chị Mến đã trả hết vốn vay cả gốc và lãi cho ngân hàng. “Gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, đang từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống” - chị Mến báo tin vui.
Hồ Thầu là một trong những vùng đất Cách mạng của tỉnh Lai Châu. Từ một xã đa phần là hộ đói nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 30% (theo tiêu chí mới). Theo ông Đỗ Đăng Hợi - Phó Chủ tịch UBND xã, thu nhập bình quân đầu người tuy còn thấp, nhưng đã khá hơn nhiều so với những năm trước, đạt trên 7,7 triệu đồng/người/năm. Điều đáng mừng là với tiềm năng sẵn có về rừng, ruộng nước; cùng những Chương trình 134, 135… của Chính phủ, tín dụng ưu đãi của NHCSXH, được cán bộ đến tận nhà “cầm tay chỉ việc” bà con dân tộc đã biết đầu tư cải tạo giống vật nuôi, thâm canh cây trồng. Nhiều hộ còn chủ động sử dụng các loại máy cơ giới hóa nông nghiệp, tham gia khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng thoát nghèo bền vững, vươn lên khá và giàu. Đến đội 4, xã Hồ Thầu nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Tăng Thị Hạnh, đó là một trang trại, lúc nào cũng nuôi vài chục con lợn thịt, hàng trăm con gà, vịt các loại, cộng thêm dịch vụ xay xát, trồng rau, mía, chè… Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu khoảng 200 triệu đồng. Chị Hạnh cho biết: “Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, cuộc sống trước đây gian truân và vất vả lắm. Những năm gần đây, thông qua Hội Phụ nữ tôi được vay 20 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, không ngại khó, không ngại khổ, “tích tiểu thành đại” tôi có được một cơ ngơi như ngày nay”!
Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, số hộ có đời sống kinh tế khá, giàu như chị Hạnh ngày càng tăng. Không chỉ riêng xã Hồ Thầu mà cả huyện Tam Đường đang đổi mới.
Bài và ảnh Minh Quốc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Trang trại “giải quyết việc làm” ở Hưng Yên
- » Vốn vay giải quyết việc làm tiếp sức làng nghề
- » Điểm tựa cho sinh viên nghèo
- » Người nghèo nơi châu thổ sông Hồng được vay vốn ưu đãi
- » Phiêng Khoài đang chuyển mình
- » Đòn bẩy thúc đẩy giảm nghèo
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Kiên Giang tổ chức phiên họp giao ban Quý III/2013
- » Tăng cường vốn cho phát triển rừng
- » Vùng cao Tây Giang đang đổi mới
- » Đức Ninh giúp người nghèo vươn lên