Trang trại “giải quyết việc làm” ở Hưng Yên

12/11/2013
(VBSP News) Từ 20 triệu đồng vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm để “khởi nghiệp”, giờ đây ông Lê Xuân Chiến ở thôn Thái Hòa, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đã có “gia tài” 1.000 con gà, 400 con vịt, 300 gốc bưởi và diện tích 500m2 mặt nước nuôi cá, xen canh các loại cây hoa màu, thu lãi hàng chục triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động ở địa phương...
Ông Lê Xuân Chiến đang chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị cho thu hoạch

Ông Lê Xuân Chiến đang chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị cho thu hoạch

Phát triển kinh tế và giải quyết việc làm

Sau khi giải ngũ trở về quê hương, vay mượn tích cóp mãi, ông Lê Xuân Chiến mới mua được khu vườn rộng 1,5ha. Trồng lúa và hoa màu không hiệu quả, nhưng ông loay hoay mãi không biết chuyển đổi cách nào.Hướng đi đã được học hỏi từ các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp ở nhiều nơi, nhưng vốn đâu để biến kế hoạch thành hiện thực? “20 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm đã giúp tôi giải quyết những khó khăn bước đầu để bắt tay vào nuôi giống gà Đông Tảo - ông Chiến cho biết - Lúc đầu chỉ dám nuôi ít thôi, nhưng thấy lợi nhuận rõ ràng từ việc chăn nuôi giống gà đặc sản này, tôi quyết định nuôi nhiều hơn”.

Trang trại rộng, lại có diện tích mặt nước lớn nên ông kết hợp với thả cá và chăn nuôi vịt. Cứ thế, lợi nhuận được ông đầu tư quay vòng một cách khéo léo, nên trang trại ngày một quy mô hơn. Đến nay, ông Lê Xuân Chiến đã có cơ ngơi 1.000 con gà, 400 con vịt, 300 gốc bưởi và diện tích 500m2 mặt nước nuôi cá, xen canh các loại cây hoa màu, vừa phục vụ thức ăn cho chăn nuôi vừa tận dụng quỹ đất trống, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng một cách bền vững. Trang trại của gia đình ông Chiến là một trong những trang trại điển hình trong khu vực, vừa phát triển kinh tế vừa giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng giống như gia đình ông Chiến, trang trại kinh tế tổng hợp VAC của anh Đỗ Văn Chuyên ở thôn Chai Trang, thị trấn Yên Mỹ cũng là một trong những điển hình chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, với 20 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH cùng với số vốn tích cóp được, anh đầu tư, cải tạo, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn và đào ao thả cá, xung quanh các bờ ao, anh trồng chuối và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với hơn 30 ô chuồng, anh chăn nuôi hơn 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái, được thực hiện tốt các điều kiện về kỹ thuật, phòng dịch bệnh. Năm vừa qua, từ chăn nuôi lợn anh đã có lãi trên 100 triệu đồng, chưa kể nguồn lợi thu từ nuôi cá trên 1ha mặt nước, không những giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 4 lao động nông nhàn tại địa phương, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Tăng thêm vốn để phát triển kinh tế bền vững

Lúc này, quy mô trang trại kha khá, ông Chiến vẫn muốn mở rộng trang trại và đầu tư lớn hơn nữa. “Ngặt nỗi vốn vay chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân, giá như Nhà nước có chính sách điều chỉnh mức cho vay của chương trình thì nhiều hộ gia đình còn khó khăn có điều kiện bứt phá để phát triển kinh tế trang trại” - ông Chiến chia sẻ. Còn anh Chuyên cũng mong nguồn vốn vay giải quyết việc làm được tăng lên để hộ dân có thể đầu tư “ra tấm ra món”, phát triển trang trại ổn định để phát triển kinh tế bền vững hơn.

Mức cho vay đối với hộ gia đình vay vốn chương trình giải quyết việc làm tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,65%/tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Đến nay, trong 178 tỷ đồng dư nợ của NHCSXH huyện Yên Mỹ, chương trình giải quyết việc làm là hơn 5 tỷ đồng với 271 hộ vay. Ông Chu Văn Quý - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Mỹ cho hay, còn rất nhiều gia đình muốn vay vốn của chương trình để đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm nhưng hiện số vốn vay còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, mức vay còn thấp nên nhiều hộ gia đình muốn mở rộng sản xuất kinh doanh phải vay mượn thêm bên ngoài.

Có thể thấy, mong muốn tăng mức vay của các hộ dân là một yêu cầu thực tế, bởi đó là điều kiện thuận lợi để các trang trại, gia trại có điều kiện mở rộng quy mô một cách hiệu quả, bền vững, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Bài và ảnh Trần Giáp

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác