Vốn vay giải quyết việc làm tiếp sức làng nghề

12/11/2013
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Gia Lâm, vùng đất phía Đông Nam thuộc TP. Hà Nội đã tận dụng tối đa nguồn vốn giải quyết việc làm, giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần bảo đảm thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn; tham gia trực tiếp làm thay đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Sản phẩm gốm Bát Tràng luôn được khách hàng ưa chuộng

Sản phẩm gốm Bát Tràng luôn được khách hàng ưa chuộng

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Gia Lâm Đặng Văn Lâm cho biết, tính đến 31/10/2013, NHCSXH huyện Gia Lâm đã thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi, đạt tổng dư nợ trên 129 tỷ đồng, trong đó: Cho vay giải quyết việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất là 46 tỷ đồng với 2.578 khách hàng.

Hầu hết nguồn vốn được đầu tư phát triển mô hình thâm canh trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là khôi phục phát triển nhiều làng nghề truyền thống như: gốm Bát Tràng, may da Kiêu Kỵ, chế biến dược liệu Ninh Hiệp… đây là một trong những thế mạnh của vùng ven đô có giao thương thuận lợi.

Trực tiếp thăm cơ sở sản xuất gốm của nghệ nhân Trần Việt Hùng ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, chúng tôi đã thấy rõ hiệu quả của nguồn vốn giải quyết việc làm mà NHCSXH huyện Gia Lâm đã giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng. Năm 2010, gia đình anh Hùng được vay 200 triệu đồng để mở rộng, chuyển đổi sản xuất mặt hàng gốm dân dụng cao cấp. Anh Hùng cho biết: “Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời, tôi đã chủ động đầu tư khâu nguyên liệu, nhiên liệu để chuyển đổi sản xuất từ loại hàng gốm đồ chơi, sang mặt hàng gốm dân dụng là tiểu sành, gốm có trang trí ngũ sắc (loại sản phẩm này được gọi là ngôi nhà vĩnh hằng). Hiện tại tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhờ vậy cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn, mỗi năm cho thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho 20 lao động với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tôi cũng đã trả hết nợ vay khi đến kỳ hạn và đang lập dự án sản xuất mới, mong muốn NHCSXH có cơ chế hỗ trợ cho chúng tôi vay tiếp vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn”.

Còn chủ cơ sở gốm Hoa Thành là chị Vũ Thị Hoa cùng làng nghề Bát Tràng với nghệ nhân Lê Văn Khánh, cũng được vay vốn giải quyết việc làm để sản xuất mặt hàng gốm thờ cúng và xuất khẩu. Sau một năm đầu tư công sức, tiền vốn, cơ sở gốm Hoa Thành sản xuất ra những mặt hàng chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, được khách hàng nước ngoài ưa chuộng, đặt mua giá cao. Vậy là chị Hoa gặp vận “phát tài”, nên đã trả nợ cho ngân hàng trước kỳ hạn 1 năm, chị chia sẻ: “Nguồn vốn giải quyết việc làm tiếp sức nên gia đình tôi có đà phát triển sản xuất, đời sống khá giả. Tôi cũng tự nguyện trả nợ, nộp lãi đầy đủ, trước kỳ hạn để tạo điều kiện cho bà con trong thôn, xóm còn khó khăn hơn có dịp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước”.

Có thể thấy, thời gian qua, bằng nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Gia Lâm đã góp phần thiết thực trong việc khôi phục, mở mang ngành nghề, giải quyết lao động ở khu vực nông thôn ngoại thành. Cùng với đó, các hội, đoàn thể thông qua công tác uỷ thác cho vay nguồn vốn này đã có điều kiện đi sát tới từng cơ sở, hộ sản xuất để gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức hội mình, đẩy mạnh phong trào thi đua giúp đỡ nhau xoá nghèo, làm kinh tế giỏi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như mô hình làng nghề gốm Bát Tràng, trồng rau màu ở Văn Đức, Đặng Xá, nuôi bò sữa ở Trung Màu, Phù Đổng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm khẳng định: “Trong thời gian tới, hội tiếp tục làm tốt dịch vụ uỷ thác các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có việc ủy thác vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, tạo nguồn lực tài chính để thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới và cuộc vận động “xây dựng mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hóa điển hình”.

Bài và ảnh Đông Dư - Xuân Trang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác