Nâng cao chất lượng tín dụng bằng các biện pháp cụ thể

12/11/2013
(VBSP News) Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo báo cáo, NHCSXH TP. Hà Nội hiện là một trong những đơn vị có dư nợ cho vay đứng trong “top” đầu của hệ thống NHCSXH; tập trung chủ yếu vào các Chương trình tín dụng: Cho vay hộ nghèo; cận nghèo; HSSV; giải quyết việc làm,... Để hiểu rõ hơn về kết quả trên và những tác động của đồng vốn tín dụng ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Kim Phung - Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội (Lương Xuân - Trần Trang thực hiện).

O. Nguyen Kim Phung...jpg

Phóng viên: Ông có thể cho biết kết quả khái quát hoạt động gần 11 năm qua của đơn vị?

Trả lời: Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của cả nước. Sau khi mở rộng địa giới hành chính từ tháng 8/2008, TP. Hà Nội có 29 quận/huyện/thị xã; dân số gần 7 triệu người, chủ yếu là người Kinh, chiếm tới 98,73%, các dân tộc khác như Mường, Tày chiếm tỷ lệ 1,27%. Số hộ nghèo là 73.484 hộ, chiếm tỷ lệ 5,23% trên tổng số hộ của thành phố.

Cùng với sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động của NHCSXH trên địa bàn thành phố luôn tập trung quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu, định hướng phát triển. Các chương trình tín dụng của NHCSXH trên địa bàn thủ đô được coi là một công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu, chiến lược quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Gần 11 năm hoạt động, kế thừa kinh nghiệm 7 năm hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo trước đây, được sự quan tâm của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc NHCSXH, của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của các Sở, ban ngành, các tổ chức hội, đoàn thể cùng với sự phấn đấu nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức của tập thể, cán bộ viên chức trong toàn chi nhánh, NHCSXH TP. Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Gần 11 năm qua, hệ thống mạng lưới của chi nhánh đã thực sự bao phủ trên diện rộng của địa bàn. Đến nay, toàn thành phố đã mở được 559 Điểm giao dịch xã trên tổng số 577 xã/phường/thị trấn.

Hiệu quả đồng vốn ưu đãi mang lại là rất lớn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Hiệu quả đồng vốn ưu đãi mang lại là rất lớn cho người nghèo và các
đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, hơn 10 năm qua đã có trên 998.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; trong đó, hơn 575.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 150.000 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 370.000 lao động, giúp cho trên 120.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để hỗ trợ việc học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng cải tạo trên 200.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo. Qua đó, đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Tính đến 31/10/2013 tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 191 tỷ đồng so với năm 2012, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng đạt 81% và đạt trên 97% kế hoạch dư nợ được giao. Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu tại một số chương trình tín dụng: Hộ nghèo 1.183 tỷ đồng với tổng số 71.000 hộ đang vay vốn, dư nợ bình quân đạt 16,6 triệu đồng/hộ; Giải quyết việc làm 1.010 tỷ đồng với 27.000 lượt khách hàng, đạt 99% kế hoạch dư nợ năm; HSSV 859 tỷ đồng với trên 48.000 hộ đang vay vốn cho hơn 56.000 HSSV học tập; Hộ cận nghèo 382 tỷ đồng với trên 19.000 hộ được vay vốn.

Có thể nói, so với mặt bằng chung NHCSXH TP. Hà Nội là đơn vị có chất lượng tín dụng tốt với nợ quá hạn tính đến 31/10/2013 là 12,7 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ. Nợ khoanh là 1,2 tỷ đồng, giảm 524 triệu đồng, chiếm 0,03% tổng dư nợ.

Phóng viên: Được biết, NHCSXH TP. Hà Nội là một trong những đơn vị có tăng trưởng dư nợ cao so với các đơn vị khác trong hệ thống. Kinh nghiệm là gì, thưa ông?.

Trả lời: Để có được kết quả như trên là nhờ trong những năm qua, cùng với việc tăng trưởng tín dụng từ nguồn vốn Trung ương, NHCSXH TP. Hà Nội đã chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan, tham mưu cấp ủy, HĐND, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp, đến nay nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 987 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% tổng nguồn vốn.

Chi nhánh thường xuyên quan tâm đến việc củng cố chất lượng tín dụng bằng các biện pháp cụ thể: Luôn sát sao chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH quận/huyện/thị xã xây dựng phương án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% hoặc tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% nhưng có xu hướng nợ xấu phát sinh tăng. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa rủi ro. Thường xuyên quan tâm, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, coi đây là xương sống để triển khai tín dụng chính sách. Thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch xã. Hằng năm, chi nhánh tiến hành tổ chức kiểm tra toàn diện, phúc tra đến 100% các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể, Sở, ban ngành kiểm tra theo chuyên đề. Đặc biệt, gắn trách nhiệm cán bộ và việc đánh giá, xếp loại cán bộ với địa bàn phụ trách nhằm tăng cường tính trách nhiệm của cán bộ được giao phụ trách địa bàn trong việc củng cố và duy trì chất lượng tín dụng tại địa bàn mình phụ trách.

Bên cạnh đó, chi nhánh cũng chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương để tranh thủ nguồn vốn của địa phương, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ các hội, đoàn thể nhận ủy thác.

Phóng viên: Về kết quả sau 8 tháng triển khai cho vay hộ cận nghèo trên địa bàn Thủ đô theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ như thế nào, thưa ông?

Trả lời: Thực hiện Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo, chi nhánh đã tích cực chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân thường xuyên đạt kế hoạch đề ra. Đến 31/10/2013, tổng dư nợ cho vay chương trình hộ cận nghèo đạt trên 380 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng giải ngân gần 50 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao đến thời điểm hiện nay.

Nhờ tiến hành một cách đồng bộ, kịp thời các giải pháp, huy động tập trung nhân lực, vật lực cho thực hiện chương trình nên trên địa bàn toàn Thành phố đến nay đã có trên 20.000 hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cải thiện đời sống, giải quyết việc làm, tiến tới thoát nghèo bền vững. Có thể nói  đây là một chủ trương đúng đắn, rất kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là đối với giai đoạn hiện nay khi mà nền kinh tế đang suy thoái ảnh hưởng sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân. Thực tiễn cho thấy, đối với những đối tượng này rất dễ bị tổn thương, nguy cơ tái nghèo là hoàn toàn có thể, vì chỉ cần một biến cố nhỏ xảy ra đối với gia đình, các thành viên trong hộ, hoặc do thiên tai, mất mùa, rủi ro trong sản xuất, kinh doanh,… là hộ gia đình sẽ quay trở lại trạng thái nghèo như trước. Vì vậy nguồn vốn từ chương trình tín dụng này kết hợp với chính sách giảm lãi suất từ 10,14% xuống 9,36%/năm đã tạo động lực to lớn giúp cho hộ cận nghèo thêm tự tin đồng thời cũng giúp cho địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Phóng viên: Ông có thể cho biết công tác cho vay HSSV học kỳ I, năm học 2013 - 2014 của đơn vị đến nay ra sao? Việc thu hồi nợ theo kế hoạch có đủ để cho vay năm nay? thưa ông.

Trả lời: Dư nợ chương trình cho vay HSSV đến 31/10/2013 đạt 859 tỷ đồng (so với đầu năm giảm 142 tỷ đồng). Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng năm 2013, nợ đến hạn theo kế hoạch của chương trình khoảng 130 tỷ đồng trong khi đó doanh số cho vay khoảng 80 tỷ đồng. Như vậy, có thể nói tình hình chấp hành, thu hồi nợ đến hạn của HSSV tương đối tốt, có nhiều hộ đã trả nợ trước hạn nhưng đồng thời cũng có một số hộ gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, HSSV ra trường chưa xin được việc làm nên chưa thể trả nợ phải thực hiện biện pháp gia hạn nợ hoặc chuyển nợ quá hạn.

Những năm trước, có những thời điểm NHCSXH rất khó khăn về nguồn vốn, nhưng trong hai năm trở lại đây, nguồn vốn dành cho chương trình luôn sẵn sàng để bảo đảm tất cả HSSV đủ điều kiện đều được vay vốn đi học kịp thời. Năm học 2013 - 2014, theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay đã được tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV, tức là ở mức 11 triệu đồng/HSSV/năm. Dự kiến trong học kỳ I này, chi nhánh còn giải ngân khoảng 50 tỷ đồng và chi nhánh đã chủ động nguồn vốn cho vay…

Nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH  TP. Hà Nội giải ngân kịp thời cho các khách hàng vay vốn ngay tại Điểm giao dịch xã/phường

Nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH TP. Hà Nội giải ngân kịp thời cho các khách hàng vay vốn ngay
tại Điểm giao dịch xã/phường
                                                                                                                                                          Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Nhu cầu giải quyết việc làm ở Thủ đô bao giờ cũng là bài toán nan giải. Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời vốn để cho vay giải quyết việc làm, hiện có áp lực lớn đối với đơn vị không, thưa ông?

Trả lời: Về tình hình thực hiện chương trình cho vay giải quyết việc làm, tính đến 31/10/2013, dư nợ đạt 1.010 tỷ đồng, với 48.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 96 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99% kế hoạch dư nợ năm 2013; trong đó, dư nợ cho vay từ Quỹ giải quyết việc làm nguồn nhận ủy thác tại địa phương là 857 tỷ đồng.

Hiện nay, do nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm rất lớn mà nguồn vốn cho vay của chương trình còn hạn chế, tỷ lệ vốn tăng trưởng hàng năm thấp không đáp ứng được nhu cầu của địa phương nhất là các làng nghề truyền thống, các cụm điểm công nghiệp tập trung. Trước áp lực đó, chi nhánh đã tham mưu đề xuất với UBND TP. Hà Nội bố trí khoảng 120 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác bổ sung sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách năm 2014. Đồng thời, xem xét bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay đối với những hộ mới thoát nghèo (số tiền khoảng 200 tỷ đồng), nhằm chống tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn Hà Nội.

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều làng nghề ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã phát triển mở rộng, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều làng nghề ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã phát triển mở rộng,
tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương

Phóng viên: Công việc những tháng cuối năm 2013 còn nhiều việc phải hoàn thành. Chi nhánh có những chương trình cụ thể nào để đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu kế hoạch được giao, thưa ông?.

Trả lời: Thực hiện sự chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, của UBND TP. Hà Nội, Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Hà Nội, trong những tháng cuối năm 2013, toàn thể cán bộ nhân viên NHCSXH TP. Hà Nội sẽ tập trung nỗ lực phấn đấu cao nhất hoàn thành kế hoạch tín dụng được giao. Cụ thể, chi nhánh sẽ triển khai kịp thời nguồn vốn mới được bổ sung năm 2013 (dự kiến khoảng 70 tỷ đồng), và chủ động nắm bắt nợ đến hạn, thu hồi vốn để cho vay quay vòng (dự kiến khoảng 300 tỷ đồng). Đồng thời, phấn đấu đạt hệ số sử dụng vốn tối đa, tỷ lệ thu lãi trên 95%.

Đồng thời, tiếp tục tập trung củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, phối hợp chặt chẽ với UBND, các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát và có giải pháp phù hợp xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn theo quy định, đặc biệt kiên quyết xử lý đối với những hộ nợ quá hạn có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ không trả.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác