Cơ hội thoát nghèo bền vững
Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua, đã giúp cho hàng chục nghìn hộ nghèo ở Bình Dương nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Một số hộ mới vừa thoát nghèo được bảo lưu xem xét là hộ cận nghèo để hưởng các chính sách an sinh xã hội nhằm thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, những hộ cận nghèo đa phần có trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề chuyên môn; lao động trong hộ cận nghèo có việc làm không ổn định, làm việc theo mùa. Do đó, chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ cận nghèo là “cần câu” giúp họ thoát nghèo bền vững.
“Chương trình cho vay hộ cận nghèo được triển khai từ tháng 4/2013, tính đến nay đã cho 3.268 hộ cận nghèo vay vốn, lũy kế gần 48 tỷ đồng với mức vay thấp nhất 15 triệu đồng/hộ và cao nhất 30 triệu đồng/hộ. Mục đích hộ cận nghèo vay vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ. Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng”. |
Hộ bà Trần Thị Thu Hiền ở phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một), thuộc hộ cận nghèo vừa được địa phương xét để NHCSXH tỉnh Bình Dương cho vay 15 triệu đồng. “Quyết định của Thủ tướng Chỉnh phủ về tín dụng ưu đãi cho đối tượng cận nghèo được triển khai đã mở ra cho gia đình tôi nhiều cơ hội mới. Tôi vay vốn để làm ăn, cải thiện đời sống gia đình. Đối với những hộ cận nghèo như gia đình tôi thì đây là một chính sách rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi được vay vốn để buôn bán nhỏ vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Hiền chia sẻ.
Tiếp tục thực hiện một số chính sách bảo lưu với hộ cận nghèo, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, kết hợp Ban điều hành các ấp, khu phố để rà soát phân loại. Sau khi có kết quả điều tra hộ cận nghèo cán bộ làm công tác giảm nghèo cùng chính quyền địa phương luôn theo dõi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các hộ cận nghèo, tiếp tục giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Hiện tại, hộ cận nghèo ở Bình Dương được tiếp tục hưởng các chính sách như: Được hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế, được vay vốn giảm nghèo, vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, vay vốn chương trình HSSV. Đơn cử hộ Bà Đoàn Thị Hảo ởấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo hiện có 2 con đi học. Trước đây, hộ bà Hảo là hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, bà được giải quyết vay vốn hộ nghèo với số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền này, bà đã sử dụng vốn để trồng mỳ, xen canh cây cao su và tiết kiệm. Đến nay, bà đã được công nhận hộ thoát nghèo. Mặc dù, đã thoát nghèo nhưng hộ bà Hảo vẫn còn là hộ cận nghèo. Theo bà Hảo, nhờ có nguồn vốn vay mà bà đã “lấy ngắn nuôi dài” và đến nay bà có hơn 150 cây cao su khai thác mủ. Tuy chưa nhiều, song cũng đã góp phần ổn định dần cuộc sống. Đến nay, số tiền vay 20 triệu đồng bà đã tiết kiệm dần từng tháng và đã sắp hoàn trả hết vốn gốc cho NHCSXH. Hai con bà hiện đang học trường Đại học Thủ Dầu Một cũng được xem xét vay nguồn vốn HSSV giúp hai con yên tâm học tập và bà cũng bớt được phần lớn gánh nặng trong chi phí học tập của con.
Nguồn vốn tín dụng cho đối tượng hộ cận nghèo đang được NHCSXH tích cực triển khai, ngày càng phát huy được ý nghĩa. Với chính sách cho vay hộ cận nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống gia đình và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Phó giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức: Chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung hộ cận nghèo vào danh sách
“Khi có chủ trương cho hộ cận nghèo vay vốn, đến tháng 8/2013, vẫn gặp khó khăn về lãi suất, cụ thể lãi suất cho hộ cận nghèo vay bằng 130% lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ (tức hộ cận nghèo trả lãi suất 0,845%/ tháng). Mức lãi suất này vẫn còn cao so với hộ nghèo. Đến tháng 9/2013, lãi suất cho vay hộ cận nghèo được giảm xuống còn 120% đối với hộ nghèo (tức mỗi tháng hộ cận nghèo vay vốn trả lãi suất 0,78%). NHCSXH tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, bổ sung hộ cận nghèo vào danh sách để họ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ”. |
Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương Ninh Quốc Bình: Luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho hộ cận nghèo được vay vốn
“Từ tháng 1/2013, Sở LĐTB&XH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cấp 100% thẻ BHYT cho hộ cận nghèo. Tiếp theo đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tín dụng hộ cận nghèo, các địa phương, tổ, ấp luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho hộ cận nghèo được vay vốn. Đa số hộ nghèo cũng như hộ cận nghèo rất phấn khởi về nguồn vốn này và một số hộ cận nghèo còn muốn vay thêm vốn để phát triển kinh tế gia đình. Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn mới có hiệu quả, Bình Dương xem đây là một trong những công tác trọng tâm thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị”. |
Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo Vũ Hải Lý: Cần xem xét hỗ trợ các hộ cận nghèo tiếp cận các mô hình sản xuất, ngành nghề
“Năm 2013, xã Tân Hiệp còn 67 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,36%. Tiếp tục bảo lưu và hỗ trợ một số chính sách cho hộ cận nghèo sau khi thoát nghèo là một chính sách đúng đắn, phù hợp là giải pháp thiết thực để giúp công tác giảm nghèo bền vững. Một tỉnh phát triển như tỉnh Bình Dương thì các chính sách hỗ trợ này lại càng phù hợp và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Xã Tân Hiệp thời gian qua đã thực hiện tốt các chính sách này, các hộ nghèo đều được hỗ trợ kịp thời. Trong thời gian tới, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì hộ nghèo và hộ cận nghèo cần tiếp tục được xem xét hỗ trợ giúp đỡ nhiều hơn nữa. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các chính sách này để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Qua đó cũng còn vấn đề nảy sinh là đối với các hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất sản xuất, thiếu lao động thì để họ tiếp cận được nguồn vốn vay và sử dụng vốn đúng mục đích thiết nghĩ cần xem xét hỗ trợ các hộ tiếp cận các mô hình sản xuất, ngành nghề phụ cụ thể, phù hợp; đồng thời hướng dẫn các hộ thực hành điểm để thực sự giúp họ tự lực vươn lên thoát nghèo”. |
Văn Sơn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chuyển đổi nghề và khấm khá
- » Thêm “cú hích” thoát nghèo bền vững
- » Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy: PHỤ NỮ LÀ ĐỐI TÁC CHÍNH, TIN CẬY CỦA NHCSXH
- » Hội LHPN Việt Nam tổng kết 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Xóa nghèo qua kênh tín dụng ưu đãi
- » NAYOBY BANK học tập kinh nghiệm tại các địa phương
- » Đoàn cán bộ cấp cao Ngân hàng Chính sách Lào (NAYOBY BANK) thăm và làm việc tại VBSP
- » Đoàn cán bộ cấp cao NAYOBY BANK chào xã giao Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT VBSP
- » Dân nghèo mong đợi chính sách hỗ trợ xây nhà phòng tránh thiên tai
- » HĐQT NHCSXH họp phiên thường kỳ Quý III/2013