Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy: PHỤ NỮ LÀ ĐỐI TÁC CHÍNH, TIN CẬY CỦA NHCSXH

05/11/2013
(VBSP News) Sau 10 năm phối hợp với NHCSXH, Hội LHPN Việt Nam đã giúp hàng triệu phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để giảm nghèo. Đánh giá về kết quả đạt được sau 10 năm của chương trình phối hợp này, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Nhận thức rõ điều đó, các cấp hội luôn xác định thực hiện tốt hoạt động ủy thác với NHCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Thúy: “Việc tổ chức các đoàn công tác đi cơ sở là vô cùng cần thiết và cần được duy trì...”

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Thúy: “Việc tổ chức các đoàn công tác đi cơ sở là vô cùng cần thiết và cần được duy trì…”

Sau hơn 10 năm phối hợp với NHCSXH thông qua cơ chế ủy thác, đến thời điểm tháng 10/2013, đã có 98% số xã trên cả nước mà Hội LHPN có hoạt động ủy thác, quản lý 78.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2,7 triệu thành viên (tương ứng 2,7 triệu hộ); Hội LHPN các cấp đã nhận ủy thác 15/18 chương trình tín dụng của NHCSXH, tổng dự nợ đạt 47.200 tỷ đồng (chiếm 40,8% tổng dư nợ qua ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội), giúp 2,7 triệu hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,68% (tỷ lệ nợ quá hạn tính chung của NHCSXH qua ủy thác là 0,98%). Sau 2 năm vận động tiết kiệm, hội đã vận động được 2,6 triệu/2,7 triệu thành viên thực hiện gửi tiền tiết kiệm tại 73.500/78.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý với số dư tiết kiệm đạt trên 1.000 tỷ đồng (tương đương với 41% tổng số dư tiết kiệm từ Tổ tiết kiệm và vay vốn của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác).

Tại Hội nghị đánh giá 10 năm hoạt động ủy thác, ông Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc NHCSXH đánh giá cao kết quả ủy thác của Hội LHPN Việt Nam, mà theo ông, có 5 cái nhất: Quản lý số Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; quản lý số thành viên đông nhất; tổng dư nợ ủy thác lớn nhất; nợ quá hạn thấp nhất; vận động thành viên tiết kiệm tốt nhất.

Phóng viên: Trong thời gian vừa qua, nợ xấu là một trong những cụm từ thường xuyên đe dọa các ngân hàng. Tại sao hoạt động vay vốn qua ủy thác của Hội LHPN lại có tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp như vậy?

Trả lời: Nợ quá hạn phản ánh chất lượng tín dụng. Những năm qua, Hội LHPN các cấp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác:

Thứ nhất là, xác định rõ trách nhiệm và thống nhất nhận thức trong các cấp hội để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo 6 nội dung ủy thác đã được thống nhất cam kết; chú trọng kiểm tra giám sát và hướng dẫn đối với những nơi chất lượng tín dụng chưa tốt. Đưa tiêu chí về chất lượng tín dụng ủy thác vào nội dung thi đua hằng năm.

Thứ hai là, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH cập nhật thông tin, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ hội các cấp trực tiếp làm nhiệm vụ ủy thác và thực hiện các giải pháp kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thứ ba là, thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ các hộ vay vốn chính sách sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả: Hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, quản lý chi tiêu, thực hành tiết kiệm…; gắn trách nhiệm của chi, tổ, hội đối với hội viên vay vốn chính sách.

Thứ tư là, phổ biến chính sách đến đối tượng vay vốn chính sách theo từng chương trình phải đầy đủ, rõ ràng để người vay vốn hiểu rõ chính sách cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay.

Phóng viên: Bên cạnh nhưng kết quả đáng mừng trên còn có những hạn chế khó khăn gì trong hoạt động ủy thác giúp chị em vay vốn và hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng?

Trả lời: Hiện nay, năng lực triển khai và chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều ở các địa phương. Có nhiều tỉnh/thành chất lượng tín dụng rất tốt, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%, một số tỉnh/thành dưới 0,3%; trong khi đó, một số ít địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn trên 2%. Số Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý xếp loại trung bình và yếu còn tới 27,4% (trong đó: tổ yếu là 0,3%). Một số nơi còn tình trạng bình xét đối tượng vay vốn chưa thật chặt chẽ; người vay vốn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nên chưa tận dụng và phát huy tốt được nguồn vốn vay hoặc chưa tích cực thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhiều địa phương còn rất khó khăn về nguồn lực nên thiếu giải pháp hỗ trợ để giúp người vay tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Phóng viên: Để thực hiện ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng hiệu quả trong thời gian tới NHCSXH và Hội LHPN cần phải làm tiếp những công việc gì?

Trả lời: Hội Phụ nữ các cấp nói riêng, các tổ chức nhận ủy thác nói chung cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tham mưu tích cực cho Chính phủ, cấp ủy và chính quyền các cấp bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo đều kiện để NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt nhiệm vụ. Riêng với Hội LHPN các cấp, cần tập trung nâng cao chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn trung bình và yếu, tập trung kiểm tra giám sát, hướng dẫn đối với các cấp hội chất lượng hoạt động ủy thác chưa tốt để nâng cao độ đồng đều về chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống hội. Các cấp hội thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, đảm bảo thực hiện đầy đủ, chất lượng các nội dung ủy thác đã cam kết; trong đó chú trọng làm tốt việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng chính sách; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn phù hợp với các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo mà các cấp hội đang triển khai thực hiện.

Phóng viên: Xin cám ơn Phó Chủ tịch!

Tuấn Lệ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác