Hỗ trợ lãi suất là chính sách ưu việt

23/10/2013
(VBSP News) Đề nghị làm rõ thêm các chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất để chuyển đổi nghề là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi thảo luận dự thảo Luật Việc làm.

 44..

Bày tỏ nhất trí cao với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cũng góp ý thêm để hoàn thiện dự luật quan trọng này.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) khẳng định: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm quy định trong Dự thảo là một chính sách rất ưu việt sẽ góp phần thúc đẩy sức sản xuất xã hội.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo, Đại biểu nêu: Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 12 quy định về ưu đãi vay vốn với mức lãi suất thấp từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại không quy định trong doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bao nhiêu lao động người khuyết tật, người dân tộc thiểu số là nhiều để làm căn cứ xác định đối tượng được hưởng ưu đãi vay vốn với mức lãi suất thấp.

Vì vậy, để có cơ sở thống nhất thực hiện, Đại biểu đề nghị quy định rõ tỷ lệ người khuyết tật, người dân tộc thiểu số trong Dự thảo hoặc dẫn chiếu để văn bản dưới luật quy định.

Theo Đại biểu này, một thực tế đáng quan tâm hiện nay là tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ở Việt Nam sử dụng tỷ lệ lớn lao động phổ thông chưa qua đào tạo để tranh thủ nhân công giá rẻ. Các doanh nghiệp này ít quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động và hệ quả là năng suất lao động thấp, sản phẩm hàng hóa làm ra có chất lượng thấp.

Do vậy, Dự thảo yêu cầu lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại Điều 36 là một giải pháp hợp lý. Đây là một vấn đề mới phù hợp với xu thế hiện nay. Mọi vấn đề đều được tiêu chuẩn hóa, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Điều này sẽ đóng góp tích cực cho việc nâng cao chất lượng nguồn lực của chúng ta.

Song để quy định này có tính khả thi, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo, ứng xử có văn hóa với người lao động thông qua các chính sách ưu tiên như vay vốn, đất đai, thuế. Vì vậy, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điểm b, Khoản 2, Điều 12 đối tượng ưu đãi vay vốn với mức lãi suất thấp đối với người lao động đã qua đào tạo.

Cần quy định cụ thể đối tượng được ưu đãi

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) khẳng định: Đây là một luật chuyên ngành thể chế hoá đường lối của Đảng, Nhà nước về việc làm trong điều kiện hiện nay khi Bộ luật Lao động chỉ mới điều chỉnh khu vực có quan hệ lao động bao gồm hơn 30% đối tượng làm công hưởng lương còn lại hơn 60% chưa được điều chỉnh.

Dự thảo Luật Việc làm lần này ra đời đáp ứng tính cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hướng đến hoàn thiện các chính sách pháp luật về việc làm, thúc đẩy bảo đảm việc làm, tạo việc làm bền vững cho người lao động, phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế và tham gia tốt thị trường lao động toàn cầu.

Góp ý với Điều 12 Dự thảo, đại biểu Lưu Thành Công nêu rõ: Quy định đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hướng đến nhóm người yếu thế trong xã hội, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo, nhưng còn một đối tượng rất cần sự quan tâm hỗ trợ ưu đãi về vốn là những ngành nghề sử dụng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Theo Đại biểu, hiện nay chúng ta đang hướng đến xây dựng ngành kinh tế kỹ thuật cao, những ngành nghề này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Nếu được vay vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, giúp cho những ngành nghề này phát triển tốt hơn, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu kinh tế công nghệ cao nhanh hơn.

Vì vậy, Đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được ưu đãi vốn, đó là những ngành nghề sử dụng người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Đối tượng này đã được quy định tại Điều 5, Khoản 5 ưu đãi về việc làm nhưng chưa được quy định ưu đãi về vốn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu rõ: Điều 20 và Điều 21 quy định chính sách cho vay đối tượng đi xuất khẩu lao động và đi làm việc ở nước ngoài. Các đối tượng đó một là thất nghiệp, hai là gia đình chính sách, ba là các đối tượng dân tộc thiểu số.

Đại biểu đề nghị cần phải thêm dân tộc Kinh sống ở vùng cao, vùng khó khăn. “Qua thực tế giám sát tôi thấy rằng ở một số điểm dân tộc Kinh mới là dân tộc thiểu số ít hơn các dân tộc tại đấy, trong khi đó dân tộc ở đấy là dân tộc thiểu số được hưởng rất nhiều chế độ chính sách nhưng dân tộc Kinh sống ở vùng đấy lại không được. Theo tôi đề nghị đối tượng dân tộc Kinh sống ở vùng cao, vùng khó khăn cũng được hưởng chế độ giống như dân tộc thiểu số, như thế mới công bằng”, Đại biểu nêu ý kiến.

Bổ sung thêm chính sách

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Trọng Sang (TP. Hồ Chí Minh) nói: Khoản 2, Điều 5 quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm, việc quy định như vậy là rất trừu tượng, chung chung.

Dự thảo Luật cũng không nói rõ nội dung khuyến khích để tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm là gì. Mặt khác, trong Dự thảo Luật cũng không giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Do vậy, để Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Luật Việc làm mang tính khả thi khi ban hành, đồng thời để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm, Đại biểu cho rằng ngoài các chính sách đã nêu, cần có các chính sách bổ sung như chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, chính sách miễn, giảm thuế trong những năm đầu hoạt động, chính sách ưu đãi vốn, vay vốn để duy trì sản xuất, giữ và tạo việc làm cho nhiều lao động,…

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết chính sách liên quan đến tổ chức, cá nhân tạo ra nhiều việc làm.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác