Khởi sắc nông thôn xứ Quảng

17/10/2013
(VBSP News) Tín dụng ưu đãi là một trong những nguồn vốn quan trọng giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là các xã điểm đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Vốn ưu đãi đã giúp gia đình ông Đặng Xuân Hòa đầu tư chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt siêu nạc

Vốn ưu đãi đã giúp gia đình ông Đặng Xuân Hòa đầu tư chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt siêu nạc

Tam Phước thuộc huyện Phú Ninh là 1 trong 11 xã điểm xây dựng Nông thôn mới của Trung ương từ năm 2009. Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay xã Tam Phước đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới.

Tạo việc làm tại chỗ

Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần quan trọng giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới”.

Toàn xã Tam Phước có 1.988 hộ, trong đó có 840 hộ đang có dư nợ vốn vay tín dụng ưu đãi. Tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn xã hiện đạt hơn 13,7 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần vốn tín dụng thương mại. Các hộ vay vốn ưu đãi đã đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các ngành nghề, tạo việc làm… Nhờ có 120 triệu đồng vốn giải quyết việc làm được vay NHCSXH, gia đình ông Nguyễn Xuân Diệp đã thành lập Công ty TNHH từ một cơ sở cơ khí. Theo đó, số lao động làm việc tại công ty cũng tăng từ 8 lên 20 người với thu nhập ổn định…

Góp phần tạo việc làm tại chỗ ở xã Tam Phước phải kể tới chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo. Ông Vũ Thạch Anh - Phó bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hầu hết các hộ nghèo, hộ chính sách đã sử dụng vốn vay đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản, nuôi lợn nái, lợn thịt và thâm canh dưa hấu. Tam Phước là địa phương có truyền thống thâm canh dưa hấu nổi tiếng của Quảng Nam với thương hiệu “Dưa Kỳ Lý”. Bình quân, mỗi năm địa phương trồng 200ha dưa hấu, doanh thu đạt trên dưới 35 tỷ đồng…

“Ngấm” vào các tiêu chí

Qua 11 năm thực hiện tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại xã Tam Phước, ông Võ Thanh Anh khẳng định, vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng giúp địa phương giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Đến nay, tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng ưu đãi qua NHCSXH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 so với các tỉnh, thành khác trong cả nước về quy mô. Vốn ưu đãi là một trong những “kênh” tín dụng quan trọng góp phần giúp các địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới .

Nguồn vốn đã “ngấm” vào nhiều tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, giáo dục…

“Bình quân, mỗi năm xã Tam Phước giảm 3 - 4% hộ nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trên địa bàn xã chỉ còn 4,33%. Nguồn vốn đã giúp 60 hộ dân trong xã xóa nhà tạm, xây được nhà 3 cứng; hơn 400 hộ đã xây dựng được các công trình nước sạch, nhà vệ sinh, đưa tỷ lệ hộ có công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn trong toàn xã lên 92%; 20 hộ trong xã hiện đang được vay vốn tín dụng giải quyết việc làm. Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách cho con em hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn học tập trên địa bàn xã Tam Phước chưa có trường hợp HSSV nào phải nghỉ học, dừng học do khó khăn về tài chính” - ông Anh thông tin.

Vốn ưu đãi đã tác động tích cực tới chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ngoài cây dưa hấu, nông dân xã Tam Phước còn đầu tư sản xuất gạo hữu cơ, gieo trồng các giống lúa chất lượng cao.

Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ nên thu nhập bình quân đầu người năm 2012 trên địa bàn xã Tam Phước đạt 23,5 triệu đồng, tăng hơn 7,3 triệu đồng so với khi bắt đầu thực hiện xây dựng Nông thôn mới năm 2009.

Hết năm 2011, đã có 18/19 tiêu chí Nông thôn mới cơ bản đạt. Từ nay đến cuối năm 2013, xã Tam Phước phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí.

Phương Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác