Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH trả lời về vấn đề xóa đói, giảm nghèo

21/10/2013
(VBSP News) Trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 20/10/2013 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp cụ thể các câu hỏi về công tác xóa đói, giảm nghèo, chính sách hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo đến năm 2015. Chúng ta cũng đã có một chuẩn nghèo mới. Sau tất cả những nỗ lực đó, thì bức tranh xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đến thời điểm này là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng: Chủ trương, chính sách giảm nghèo đã được cụ thể hóa hơn bằng các Chương trình như Chương trình 30a đầu tư cho 62 huyện nghèo và vừa rồi mở rộng ra 30 huyện được hưởng kinh phí hỗ trợ tương đương 70% của huyện thuộc diện 30a.

Thứ hai, cùng với vấn đề đầu tư hạ tầng cho những huyện nghèo thì những chính sách hỗ trợ cho người nghèo cũng được tăng cường. Chính vì vậy mà việc giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn cơ bản đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, bình quân là 2%/năm, trong đó: những huyện miền núi, khó khăn giảm khoảng 4%/năm.

Mấy năm gần đây, kinh tế hết sức khó khăn, nhiều chính sách đã phải cắt giảm nguồn vốn thực hiện nhưng riêng nguồn lực cho giảm nghèo không giảm mà còn tăng. Nếu bình quân trong giai đoạn 2008 - 2012, chúng ta dành khoảng 90.000 tỷ đồng/năm cho giảm nghèo thì giai đoạn 2011 - 2013 nguồn lực dành cho hộ nghèo là 364.000 tỷ đồng, tương đương 120.000 tỷ đồng/năm. Điều này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc dành nguồn lực đáng kể để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta, phấn đấu đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Thời gian gần đây, những chính sách dành cho người nghèo cần phải được điều chỉnh. Thứ nhất là, phải xác định đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất để người nghèo có điều kiện thoát nghèo.

Thứ hai, đầu tư tăng nguồn lực từ vay tín dụng thay cho hỗ trợ trực tiếp.

Thứ ba, do đặc thù của Việt Nam phải chịu thiên tai rất khắc nghiệt, nếu hộ cận nghèo không được quan tâm thì sẽ bị tái nghèo rất nhanh. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ cho hộ nghèo thì tới đây sẽ có một số chính sách mới cho các đối tượng là cận nghèo. Và làm cơ sở để tiếp tục giữ giảm nghèo bền vững.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, các chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đã phát huy hiệu quả khá tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, chúng ta đều biết hiệu quả của chính sách nhiều khi nằm ở thực tế thi hành tại các địa phương. Khán giả Thái Văn Cang 58 tuổi, ở thị trấn Đạ Tẻh (Lâm Đồng), phản ánh: Nhà ông có 3 con là sinh viên học đại học nên đã trở thành hộ nghèo vào năm 2011 - 2012 nhưng đến nay mới nhận được 1 cái màn tuyn, một lần tiền hỗ trợ hộ nghèo là 250.000 đồng, 4 quý tiền điện, một lần tiền Tết là 200.000 đồng. Con ông đang là sinh viên thì không được miễn giảm học phí. Ông Cang cho rằng không ít tình trạng như gia đình nhà ông đã nhận được tiền hỗ trợ, nhưng lại là hỗ trợ thiếu, hỗ trợ không đầy đủ, hỗ trợ cho có, chỉ khiến những người dân như ông cảm thấy “há miệng mắc quai” khi có ý định đi đòi hỏi quyền lợi của mình từ chính quyền địa phương?

Bộ trưởng: Chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo không phải là chính sách trợ cấp xã hội mà phải có chính sách cho từng đối tượng. Theo Quyết định 49 của Chính phủ về hỗ trợ cho HSSV nghèo quy định nếu HSSV nghèo là người dân tộc thiểu số thì được miễn học phí, còn nếu là hộ nghèo thì được vay tín dụng ưu đãi để đi học.

Vì vậy, như trường hợp của bác Cang ở vùng đó nhưng không phải là người dân tộc thì chính sách hiện hành là được vay tín dụng ưu đãi để cho con đi học. Sau khi học xong, đi làm thì trả nợ cho ngân hàng theo quy định.

Phóng viên: Vậy còn những gia đình ở trong diện được hỗ trợ hộ nghèo nhưng lại chỉ được nhận một phần những hỗ trợ đó thì sao, thưa Bộ trưởng, chúng ta có những chính sách để thúc đẩy việc giải quyết rốt ráo cho họ không?

Bộ trưởng: Tôi nghĩ rằng đã là chính sách cho hộ nghèo thì phải đến được hộ nghèo và phải đầy đủ. Còn trong trường hợp chưa thực hiện được đầy đủ như bác Cang nói thì cần phải kiểm tra lại.

Phóng viên: Một phụ nữ đơn thân ở phố Trưng Vương, thị trấn Nam Ban (Lâm Đồng), đang phải nuôi 1 con nhỏ, không có nhà ở và phải ở với bố đẻ, vốn là thương binh nặng. Bản thân chị này bị hen phế quản mãn tính, đang mưu sinh bằng nghề bán bún với thu nhập vài chục nghìn/ngày nhưng cán bộ xã lại ấn định cho mức thu nhập 750.000 đồng/người/tháng. Vậy là đang từ hộ nghèo theo bình xét của bà con tổ dân phố thì gia đình chị lại trở thành hộ cận nghèo với mức hỗ trợ hoàn toàn khác. Chính một người hàng xóm của chị gửi thư đến chương trình và hỏi việc làm của chính quyền địa phương là đúng hay sai, nếu trong trường hợp có sai phạm thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng: Năm 2012 có Thông tư số 21 về hướng dẫn rà soát hộ nghèo từ nhận dạng hộ nghèo, trên cơ sở đó mới tính mức bình quân thu nhập của hộ nghèo. Sau đó, đưa ra tổ dân phố hoặc thôn, xóm bình xét. Nhưng nếu tính không chính xác thì tổ chức ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Như trong trường hợp ấn định mức thu nhập 750.000 đồng/tháng như trên là không đúng theo hướng dẫn rà soát, đánh giá hộ nghèo, và rất cần phải được kiểm tra. Tôi nghĩ rằng chính quyền phải nên xem xét, nếu trường hợp được độc giả nêu lên mà chưa có nhà ở thì rất cần hỗ trợ nhà ở theo chính sách của Chính phủ.

Phóng viên: Cũng theo chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo thì đến năm 2015 chúng ta cơ bản hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500.000 hộ nghèo. Liệu chúng ta có đạt được mục tiêu này đúng hạn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng: Thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Bộ Xây dựng đã tổng kết và đến năm 2012 đã hỗ trợ cho 531.000 hộ nghèo có nhà ở với phương thức rất hiệu quả khi Chính phủ hỗ trợ không quá 1/3 giá trị xây dựng, còn lại là gia đình, dòng họ cùng đóng góp để làm nhà cho hộ nghèo. Vì vậy, chúng ta đã đạt được mục tiêu trước thời gian và đến nay, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng giai đoạn 2.

Phóng viên: Các Nghị quyết số 80, Nghị quyết 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ đều đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững lên hàng đầu. Một số khán giả trong thư gửi tới chương trình tỏ ra băn khoăn liệu khái niệm “bền vững” có thể khiến công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương có lý do để giảm tốc hoặc là hợp pháp hóa sự chậm chễ của chính quyền địa phương?

Bộ trưởng: Những năm vừa rồi chúng ta thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo. Ví dụ, nếu một hộ nghèo không được hỗ trợ thì con không được đi học, nếu không được hỗ trợ bằng chính sách cụ thể thì không dám đi khám chữa bệnh. Nhưng chính sách hướng tới giảm nghèo bền vững thì không chỉ có hỗ trợ trực tiếp mà phải đầu tư nguồn lực, đầu tư hạ tầng cho những vùng nghèo. Đồng thời dành nguồn lực từ ngân sách thông qua NHCSXH để tạo điều kiện vốn ưu đãi cho người nghèo vay để phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện khích lệ, động viên hộ nghèo tự vươn lên là chính. Vì vậy, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa bằng những chính sách cụ thể, dài hơi hơn chứ không chỉ bằng những chính sách trực tiếp như hiện tại chúng ta đang làm. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng rất cần cho từng giai đoạn.

Minh Khôi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác