Phiêng Khoài đang chuyển mình

07/11/2013
(VBSP News) Từ sự tiếp sức đầu tư của các chương trình, dự án, trong đó có việc tăng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cùng với khí thế khai hoang sản xuất hăng say, những người đi xây dựng kinh tế mới vùng biên giới Sơn La và đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài thuộc huyện Yên Châu đã biến hàng nghìn ha đất rừng hoang vu thành nương ngô, lúa và đồi chè bát ngát.
Đồng bào dân tộc huyện Yên Châu trồng Đào từ nguồn vốn vay ưu đãi

Đồng bào dân tộc huyện Yên Châu trồng Đào từ nguồn vốn vay ưu đãi

Ông Phạm Văn Phán - Phó bí thư Đảng uỷ xã Phiêng Khoài, 68 tuổi, quê gốc ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động (Hưng Yên), một trong 60 thanh niên xung phong đi tiền trạm, gắn bó máu thịt với vùng biên giới Yên Châu từ thuở ban đầu, bồi hồi kể lại. Những năm trước đây, nơi đây phải đối mặt biết bao khó khăn, thử thách, nhưng gian nan nhất vẫn là nghèo đói, thiếu vốn và thiếu nhà ở. Nhưng nhờ có chủ trương của Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển khu vực dân tộc - miền núi, nhất từ việc NHCSXH tăng nguồn vốn ưu đãi cho vay đến từng hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên xã chúng tôi đã có đà phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Nhiều hộ dân trước kia định rời bỏ vùng kinh tế mới và đồng bào dân tộc vốn quen cuộc sống du canh đốt phá rừng bừa bãi, nay đã yên tâm định cư ở chốn biên cương, để vay vốn chính sách, sử dụng vốn vay vào thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng bản làng no đủ, tươi vui dần.

Theo sự hướng dẫn trực tiếp của ông Phó bí thư Đảng uỷ xã, chúng tôi đã đi thăm một số mô hình kinh tế ở các bản Con Khằm, Thanh Yên 1, tận tai nghe, mắt thấy một số hộ nghèo vừa được vay vốn chính sách thuận lợi, lại còn làm theo sự hướng dẫn của cán bộ hội, đoàn thể và ngân hàng tận tình hướng dẫn cách thức sử dụng lồng ghép nguồn vốn vay với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Tại các bản làng nằm trên vành đai biên giới Phiêng Khoài này thời gian qua đều thành lập và kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia chuyển tải hơn 15 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH kịp thời và đến tận nơi ở của 1.030 hộ nghèo, 960 hộ cận nghèo. Phần lớn số vốn vay được bà con đầu tư khai hoang trồng được 1.060ha ngô lai, 230ha chè thương phẩm, 72ha cà phê trồng xen cây ăn quả, đào, mận. Anh Trịnh Quang Thành Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Thanh Yên 1 cho biết: “Nhờ vốn vay ưu đãi kịp thời, đầy đủ và việc chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nên hiện nay các đồi chè, ngô, lúa cao sản và đàn gia súc phát triển nhanh về diện tích, năng suất cho thu nhập cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24% năm 2009, còn 12,7% trong năm 2012”. Điển hình như các hộ ông Mè Văn Thảo, chị Tòng Thị Hèo (dân tộc Thái) trước đây từng là hộ nghèo, quanh năm “du canh, du cư”, đã trở lại bản Thanh Yên 1 lập nghiệp, sử dụng số vốn vay ưu đãi để nuôi bò sinh sản, trồng chè tuyết san. Riêng vợ chồng chị Hèo vừa mới đây còn vay thêm 20 triệu đồng vốn của chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đưa cây cà phê, cây đào không hạt vào trồng xen thử nghiệm quanh khu vườn nhà, vườn đồi.

Còn ở bản Con Khằm có đến 70 hộ dân tộc Xinh Mun, Khơ Mú sinh sống, chiếm 87% tổng số hộ trên địa bàn có những gia đình như chị Vi Thị Mại, ông Hoàng Văn Lự… được vay vốn ưu đãi và cộng đồng bản làng giúp đỡ đã làm được căn nhà mới vững chắc, thay cho cảnh nhà xiêu vẹo, mái dột nát bao năm qua. Hay như nhà bà Lường Thị Xiểng đã sử dụng vốn vay của chương trình hộ nghèo thâm canh hơn 1ha ngô lai; đồng thời, được Hội Phụ nữ giúp đỡ vay 36 triệu đồng vốn tín dụng chương trình HSSV để năm qua chăm lo cho 3 người con ra thành phố học đại học, cao đẳng. Hiện gia đình bà đã thoát nghèo và dự định trả nợ vay ngân hàng đúng kỳ hạn.

Vùng đất nghèo khó hoang vắng chốn biên cương Phiêng Khoài ngày nào nay đang thay da đổi thịt với một diện mạo mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%, hàng trăm ha cây công nghiệp, cây ăn quả bên những nương ngô, lúa bát ngát, hứa hẹn cuộc sống trù phú, chính là phản ánh rõ rệt nhất về tác dụng của sự đầu tư từ các chương trình, dự án, trong đó có phần đóng góp hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, thông qua nghiệp vụ giải ngân tại NHCSXH.

Bài và ảnh Lê An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác