Vùng cao Tây Giang đang đổi mới

06/11/2013
(VBSP News) Cũng như các huyện nghèo trong cả nước, Tây Giang (Quảng Nam) đã được Chính phủ, các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh rất quan tâm, đã tập trung mọi nguồn lực tài chính, tín dụng, khoa học, kỹ thuật để giúp người dân nơi đây thoát khỏi cảnh nghèo; tạo nên bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu nông - lâm nghiệp và giải quyết việc làm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Người dân Tây Giang chăm sóc cây giống

Người dân Tây Giang chăm sóc cây giống

Mặc dù, còn gặp khá nhiều khó khăn của một huyện vừa chia tách từ huyện Hiên của tỉnh Quảng Nam. Tây Giang đã sớm hoàn thành xây dựng Đề án phát triển nông - lâm sản, góp phần giảm nghèo khu vực miền núi theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất và kêu gọi các nguồn lực tài chính đầu tư để thực hiện vững chắc, đồng bộ công cuộc xóa nghèo, trong đó: đã hỗ trợ tiền vốn, công sức của cộng đồng, Nhà nước và ngân hàng xóa bỏ những căn nhà tạm bợ, dột nát, làm nhà mới xong trước thời hạn 6 tháng. Đối với hơn 80% hộ nghèo và 92% dân số là đồng bào dân tộc Cờ Tu, đã được tạo thuận lợi vay vốn, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Kết quả đã tiếp sức mạnh cho nhiều hộ dân vùng cao Tây Giang phát triển sản xuất, làm cho tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện giảm từ 84,46% năm 2008 xuống còn 58% năm 2012, bình quân giảm trên 3%/năm.

Thực tế 11 năm qua, NHCSXH huyện Tây Giang đã đưa nhanh nguồn vốn đến đúng địa chỉ, đối tượng được thụ hưởng vào đúng ngày giao dịch cố định trong tháng. Hiện tại, mạng lưới giao dịch đã phủ kín 10/10 xã, đạt tổng dư nợ là 64,815 tỷ đồng, với 3.433 hộ vay, tăng 41 lần so với khi thành lập, với dư nợ bình quân trên 18,3 triệu đồng/hộ. Tại xã Bha - giáp với nước bạn Lào, cán bộ tín dụng đi giao dịch bằng xe máy, vào mùa mưa thường phải đi bộ từ thị trấn Alich lên và đến hôm sau mới hoàn thành công việc. Vì là tổ chức tín dụng mang tính chất đặc thù phục vụ công cuộc xóa nghèo, nên những ngày đi giao dịch của NHCSXH nơi vùng cao này là những lần cán bộ ngân hàng về với dân, luôn đảm bảo giải ngân vốn đến đúng đối tượng, đúng ngày và đúng cả địa bàn dân cư; khi ngày giao dịch trùng với ngày nghỉ (thứ bảy hoặc chủ nhật) NHCSXH vẫn giữ nguyên lịch làm việc như thường lệ.

Cùng với việc tổ chức mạng lưới và đảm bảo 3 đúng trong công tác giao dịch với khách hàng, NHCSXH huyện Tây Giang còn đẩy mạnh việc củng cố chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể để vừa hướng dẫn hộ vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả; vừa thực hiện giao dịch an toàn và tiết kiệm cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.

Theo ông Vũ Định - Giám đốc NHCSXH huyện Tây Giang thì hiện tại các chương trình cho vay vốn ưu đãi đang được thực hiện với những thủ tục đơn giản, dễ hiểu gồm: đơn xin vay vốn kèm theo chứng minh thư nhân dân gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, bản. Sau khi được tổ bình xét công khai và Ban giảm nghèo kiểm tra rồi trình Chủ tịch UBND xã phê duyệt, người dân được nhận tiền vay ngay tại Điểm giao dịch xã. Cách làm mới và đúng đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác