Cần sớm có chính sách hỗ trợ vốn, việc làm cho người nhiễm HIV

31/10/2013
(VBSP News) Cuối tháng 10/2013 tại Hà Nội, Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các tổ chức liên quan đã tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát nhu cầu vay vốn, tạo việc làm với 4 nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người đang điều trị methadone và người bán dâm.
Đan lát - một trong những nghề được đào tạo trong các Trung tâm cai nghiện

Đan lát - một trong những nghề được đào tạo trong các Trung tâm cai nghiện

Rào cản lớn từ xã hội và bản thân 

Ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Quá trình khảo sát được thực hiện với hơn 1.500 người dân thuộc 4 nhóm đối tượng tại 7 tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát cho thấy: Tỷ lệ được vay vốn hiện nay của các nhóm đối tượng còn rất thấp, chỉ có khoảng 17% được vay và 15% đã làm thủ tục xin vay vốn, trong khi nhu cầu vay vốn lên tới 85,5%. Nhiều người có nhu cầu đã làm đơn vay vốn nhưng không được xét duyệt.

Nguyên nhân khiến phần lớn người có nhu cầu chưa làm thủ tục vay vốn là do không biết thông tin về nguồn vốn, lo sợ bị từ chối, lo không có tài sản thế chấp và sự kỳ thị. Trong đó: rào cản lớn nhất khi làm xét duyệt vay vốn là thiếu tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn của ngân hàng còn rất phức tạp. Theo lời một người dân tham gia khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh, việc vay vốn yêu cầu cần người thừa kế chịu trách nhiệm cho khoản vay. Mà điều này, gây khó khăn lớn cho người ở đơn thân, hoặc bố mẹ già không đủ sức bảo lãnh, không có hộ khẩu thường trú để tín chấp.

Nguồn vốn của NHCSXH là nguồn vốn được các nhóm đối tượng mong muốn nhất, bởi lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Về mục đích sử dụng vốn, hơn 70% người được hỏi cho biết sẽ tiến hành đầu tư vào kinh doanh, buôn bán nhỏ. Song, họ cũng cho biết: Rất cần sự hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm buôn bán, kinh doanh cũng như được hướng dẫn trong quá trình sử dụng vốn vay.

Với nhu cầu việc làm, nhóm người không có việc làm chủ yếu là nhóm đang điều trị methadone. Tuy nhiên, việc làm chủ yếu của các thành viên lại là làm tự do, theo thời vụ, thu nhập rất bấp bênh, thường chỉ từ 1 - 3 triệu đồng/tháng. Việc làm thuê trong Công ty, cơ sở sản xuất tư nhân còn rất ít.

Cùng với đó, trong khi nhu cầu cần hỗ trợ tương đối cao, chỉ có khoảng 14,4% nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Các tổ chức, đơn vị hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn khi các doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm vỏn vẹn 2,4%. Trong khi đó số người tìm được việc làm sau khi nhận được hỗ trợ chiếm tỷ lệ khá cao, hơn 61%.

Theo nhóm nghiên cứu, khi tìm kiếm việc làm, các nhóm đối tượng thường gặp trở ngại về sức khỏe, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn thấp, không có tài sản thế chấp, hộ khẩu… Đáng lưu ý, vẫn là sự kỳ thị đến từ xã hội và chính bản thân người có nhu cầu.

Giải pháp nào?

Rõ ràng, nhu cầu vay vốn và tìm việc làm của 4 nhóm đối tượng yếu thế là rất lớn. Thế nhưng, do đặc thù về sức khỏe, học vấn, nghề nghiệp và mức độ tín nhiệm thấp, nhóm đối tượng này đã yếu thế, nay lại càng yếu thế hơn.

Theo đại diện NHCSXH, việc khó tiếp cận vốn của các nhóm đối tượng là điều bất khả kháng, bởi chưa có một chính sách cho vay vốn nào với nhóm này. Việt Nam hiện mới chỉ có chính sách cho vay với hộ nghèo, hoặc thuộc các đối tượng chính sách khác và thường được vay theo hộ gia đình. Do đó, những trường hợp đã vay được vốn chắc chắn thuộc về các nhóm đối tượng khác.

Bên cạnh đó, cũng chưa có một mô hình đào tạo nghề nào thật sự phù hợp cho 4 nhóm đối tượng này. Những nghề họ được đào tạo trong Trung tâm cai nghiện, Trung tâm phục hồi nhân phẩm thường có thu nhập thấp, bấp bênh và khó có đầu ra cho các sản phẩm, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chất lượng tay nghề còn thấp, rất khó được doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng.

Để hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng này trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đã đưa ra hàng loạt nhóm giải pháp, trong đó: Chú trọng việc cần nhanh chóng ban hành một chính sách về vay vốn, tạo việc làm giúp các nhóm dễ bị tổn thương trên có cơ hội tiếp cận vốn vay để học nghề, tự tạo việc làm ổn định cuộc sống. Trong đó, các ý kiến đều đồng tình rằng: Để rút ngắn khoảng cách người đi vay - người cho vay, giảm sự kỳ thị, rất cần mở các khóa tập huấn cho cán bộ cho vay.

Thế nhưng, ai là người tập huấn? Kinh phí tập huấn? Do đó, nên thành lập một nguồn quỹ riêng hỗ trợ những người làm công tác tập huấn. Rõ ràng, nếu thiếu sự hỗ trợ này, việc tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng yếu thế sẽ thêm nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, các cơ quan chức năng cấp tỉnh, huyện, các đoàn thể cấp xã, hướng tới đa dạng hóa các Quỹ tiết kiệm tại địa bàn. Đặc biệt, bản thân các cá nhân trên cũng cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, tự tạo nhóm, tạo vốn, không bị động dựa vào ngân hàng. Điển hình, tại Điện Biên, nhóm Chân trời mới đã đi làm, có vốn và hỗ trợ lẫn nhau. Điều quan trọng là cần sự hỗ trợ, tăng cường năng lực hiểu biết tài chính cho họ, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn hiệu quả, thiết lập một đơn vị định hướng, giám sát sử dụng vốn vay từ khâu lập kế hoạch tới khi có sản phẩm, có lợi nhuận và thu hồi vốn.

Bài và ảnh Nguyễn Nga - Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác