Ở nơi nghèo nhất nước

31/10/2013
(VBSP News) Lai Châu là tỉnh nghèo nhất nước, Sìn Hồ là huyện nghèo nhất tỉnh Lai Châu. Đây là huyện vùng cao biên giới (có 38 km giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), địa hình hiểm trở, lắm núi cao, nhiều khe suối. Với dân số trên 74 ngàn người, Sìn Hồ có tới 15 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đông nhất là người Mông (chiếm gần 35% dân số), tiếp đến người Thái, Dao... người Kinh chỉ chiếm 6,4%. Những năm qua được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, NHCSXH tiếp sức bằng nguồn vốn vay ưu đãi huyện nghèo đang có những đổi thay...
Ở Sìn Hồ giá trị kinh tế trồng ngô cao gấp 1,5 - 2 lần so với cây lúa

Ở Sìn Hồ giá trị kinh tế trồng ngô cao gấp 1,5 - 2 lần so với cây lúa

Đi đầu trong công cuộc xóa nghèo ở huyện vùng cao biên giới là lực lượng thanh niên. Từ nhiều năm nay, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, giúp nhau phát triển kinh tế” được các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm; Huyện đoàn Sìn Hồ chỉ đạo triển khai bằng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Trước hết, để chủ động tìm nhiều nguồn vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế, Huyện đoàn Sìn Hồ là một trong 4 tổ chức hội, đoàn thể tích cực, có trách nhiệm cao trong nhận vốn vay ủy thác từ NHCSXH. Tính đến nay, Huyện đoàn Sìn Hồ đã thành lập được 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 717 hộ đoàn viên thanh niên được vay vốn, với tổng dư nợ hơn 12 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả. Anh Tần Xoang Phù ở bản Găng, xã Tả Phìn là một ví dụ. Khởi nghiệp với số tiền 25 triệu đồng vay từ NHCSXH, cộng thêm số tiền tiết kiệm của gia đình, anh mua 3 con trâu nái và 2 con lợn nái về nuôi. Đến nay, anh Phù đã có một đàn trâu 10 con, trị giá 200 triệu đồng và một đàn lợn thịt, thu lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Nói về sự thành công của mình, anh Phù bộc bạch: “Được Trung tâm khuyến nông hướng dẫn rồi cho đi tập huấn, tôi thấy việc nuôi trâu cũng không mấy khó khăn, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ khá dồi dào, cỏ tự nhiên, cỏ trồng bằng giống cỏ voi, giống cỏ VAO6 năng suất đạt tới 200 - 250 tấn/ha. Điều cần chú ý là giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ, giữ ấm và cho ăn đủ về mùa đông trâu sẽ không mắc bệnh và lớn rất nhanh”. Phó bí thư Huyện đoàn Sìn Hồ Phú Hồng Lữ, cho biết: “Mô hình nuôi trâu của anh Phú là một trong số rất nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế do Huyện đoàn đứng ra làm chủ. Việc giúp thanh niên khai thác hiệu quả nguồn vốn vay đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của thanh niên Sìn Hồ, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa nghèo ở huyện nghèo nhất nước”.
Không chịu thua kém tuổi trẻ, Hội Phụ nữ huyện Sìn Hồ có phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm êm, hạnh phúc. Thông qua phong trào, các mô hình cụ thể, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, được hướng dẫn kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi nhiều chị em đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu. Những năm trước đây, tỷ lệ hội viên nghèo của Hội Phụ nữ xã Pa Tần luôn chiếm trên 40%. Để giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Huyện hội đứng ra ký nhận ủy thác vay vốn NHCSXH 2,5 tỷ đồng, cho 172 chị em vay. Với số tiền được vay, nhiều chị em đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống mới về sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Chị Vũ Thị Thống ở bản An Tần là một trong những điển hình. Sau nhiều năm tìm hướng phát triển kinh tế gia đình không thành, thông qua Hội Phụ nữ xã chị được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH. “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” - chị Thống bàn với chồng xây dựng chuồng trại và mua 30 đôi chim bồ câu giống về nuôi. Vốn là một phụ nữ năng động, chị Thông mày mò tìm hiểu phương thức chăn nuôi, nên từ 30 đôi chim bồ câu giống ban đầu đến nay chị đã phát triển đến gần 300 đôi. Trao đổi kinh nghiệm với chị em trong thôn, bản, chị Thống cho biết: “Nuôi chim bồ câu không khó, không tốn nhiều công chăm sóc cũng như thức ăn, hồi vốn nhanh, nhu cầu thị trường lớn, nhưng cần phải nắm được kỹ thuật, như: Chuồng trại nuôi chim bồ câu phải thông thoáng, đủ ánh sáng, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng”. Ngoài nuôi chim bồ câu vợ chồng chị Thống còn nuôi thêm gà, lợn để tăng thu nhập. Trong chuồng nhà chị luôn duy trì trên 100 con gà và 30 con lợn. Trừ chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ Sìn Thị Thủy, ở xã Pa Tần hiện nay có 25 hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. “Con số này ngày càng tăng lên khi có thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi” - chị Thủy khẳng định.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác