Nam Định với chương trình tín dụng NS&VSMTNT

25/10/2013
(VBSP News) Thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tín dụng NS&VSMTNT, NHCSXH đã bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay nhằm giúp cho hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh Nam Định được sử dụng nước sạch và có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện vệ sinh nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vận hành thiết bị cấp nước ở Hợp tác xã nước sạch Sông Đào, huyện Nam Trực

Vận hành thiết bị cấp nước ở Hợp tác xã nước sạch Sông Đào, huyện Nam Trực

Từ năm 2004 đến nay, nguồn vốn của chương trình đã được NHCSXH giải ngân đến các hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng cho vay không bó hẹp trong hộ nghèo, hộ chính sách mà mọi hộ dân có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú dài hạn tại khu vực nông thôn chưa có công trình NS&VSMTNT hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia được UBND cấp xã xác nhận, nếu có nhu cầu đều được vay. NHCSXH tỉnh Nam Định đã nỗ lực phân bổ nguồn vốn đúng, đủ và kịp thời đến các hộ dân, kế hoạch cho vay luôn được hoàn thành ở mức cao (99,9%). Để phục vụ công tác cho vay và thu hồi nợ, NHCSXH đã không ngừng nâng cao chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Tổ giao dịch lưu động tại xã và Điểm giao dịch, duy trì lịch giao dịch đều đặn tại các Điểm giao dịch. Do vậy, việc triển khai chương trình từ khâu thiết lập hồ sơ cho vay, tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi cũng như quá trình kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay rất thuận lợi. Chương trình cho vay NS&VSMTNT với thủ tục cho vay đơn giản, hộ vay không phải thế chấp tài sản, việc giải ngân, thu nợ được thực hiện tại các điểm giao dịch xã thuận tiện cho người vay tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn.

Theo Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay Chương trình NS&VSMTNT giảm từ 0,9%/tháng xuống còn 0,8%/tháng (9,6%/năm). Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, nguồn vốn bổ sung cho chương trình của NHCSXH tỉnh Nam Định là 65,1 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn của chương trình đạt 318,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn bổ sung và nguồn vốn thu hồi, 9 tháng năm 2013, NHCSXH đã cùng với các hội, đoàn thể nhận ủy thác giải ngân cho 9.010 hộ, với số tiền 71,546 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ được vay gần 8 triệu đồng. Có 8.950 công trình nước sạch và 8.966 công trình vệ sinh đã được xây mới, nâng cấp, cải tạo. Hết tháng 9/2013, tổng dư nợ chương trình đạt 318,311 tỷ đồng tăng 6,6% so với cuối năm 2012, với 42.710 hộ đang vay vốn, bình quân mỗi hộ có dư nợ 7,45 triệu đồng.

Để đảm bảo an toàn nguồn vốn cũng như việc sử dụng vốn đúng mục đích, NHCSXH các huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thành lập đoàn kiểm tra hồ sơ pháp lý, hồ sơ vay vốn tại Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện kiểm tra đối chiếu việc sử dụng vốn của các hộ vay. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện các hộ sau 6 tháng chưa có công trình, NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác kiên quyết thu hồi vốn vay theo quy định. Các hộ vay đều nhận nợ khớp đúng với số liệu sao kê của ngân hàng, phần lớn các hộ đã hoàn thành công trình, một số hộ đang xây dựng. Chất lượng tín dụng của chương trình luôn ở mức cao, hầu hết các hộ vay có ý thức trả nợ đúng kế hoạch nên nợ quá hạn thấp, chiếm khoảng 0,1% tổng dư nợ. Cùng với nguồn vốn của chương trình, chính quyền cơ sở còn lồng ghép thực hiện các dự án của địa phương nên đồng vốn phát huy hiệu quả cao. Đồng thời, huy động được nguồn vốn trong dân cư tham gia xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh của gia đình chiếm từ 40% - 80% chi phí xây dựng công trình.

Đánh giá hiệu quả của chương trình đem lại, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Các hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch sẽ giúp các đơn vị cung cấp nước tăng số lượng khách hàng, giảm phí sử dụng nước, nâng cao lợi ích toàn xã hội. Các công trình vệ sinh, bể biogas được xây dựng không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp các hộ gia đình tận dụng được chất thải, tạo nguồn nhiên liệu chất đốt, giảm chi phí sản xuất, sinh hoạt cho hộ gia đình”.

Gia đình ông Vũ Ngọc Tiện, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm Thành Thắng, xã Giao Châu, huyện Giao Thuỷ sinh sống tại khu vực làng nghề làm nước mắm truyền thống Sa Châu. Do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ làm nghề khiến môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo cho sinh hoạt hằng ngày. Năm 2009, được NHCSXH huyện Giao Thủy cho vay 8 triệu đồng, ông Tiện đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, bể chứa nước sạch, an toàn.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai chương trình vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Mức cho vay 4 triệu đồng/1 công trình hiện nay không còn phù hợp với chi phí nhân công và nguyên vật liệu. Một số hộ khó khăn xây dựng hoàn toàn bằng vốn vay nên công trình không đảm bảo chất lượng, hoặc không dám vay vì không đủ chi phí hoàn thiện công trình. Chưa có sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành trong việc khảo sát, đánh giá chất lượng nguồn nước, định hướng và khuyến cáo người dân trong việc lựa chọn mô hình phù hợp, cũng như kiểm tra giám sát, giúp đỡ người dân về kỹ thuật để hoàn thành công trình đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng. Phạm vi cho vay mới chỉ dừng ở khu vực các xã, một số khu vực thuộc thị trấn gặp khó khăn trong sử dụng nguồn nước sạch chưa được xem xét giải quyết. Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện các dự án nước sạch và vệ sinh môi trường, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng giúp các thôn, xóm xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh một cách có hệ thống. Trong năm 2013, NHCSXH sẽ giải ngân hết nguồn vốn nước sạch cho các hộ có nhu cầu vay vốn, tập trung ưu tiên cho vay tại các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và những nơi khan hiếm về nguồn nước sinh hoạt, những nơi môi trường bị ô nhiễm.

Bài và ảnh Lê Quang Lộc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác