Đánh thức một vùng biên

23/10/2013
(VBSP News) Na Ngoi vốn là một trong những xã nghèo nhất, xa nhất và có tỷ lệ người Mông sinh sống nhiều nhất ở xã biên giới huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhưng nay đang có sự đổi thay kỳ diệu với cả vùng đất hoang sơ được đánh thức cùng nhiều hộ dân đã vượt khó, làm giàu bởi được ưu tiên thụ hưởng các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó có việc tăng cường cho vay ưu đãi từ NHCSXH.
Niềm vui được mùa khoai sọ của bà con huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Niềm vui được mùa khoai sọ của bà con huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Ông Xồng Xái Xo - Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho biết, từ một vùng đất nằm sát vành đai biên giới Việt - Lào, “đứng đầu” danh sách các xã đặc biệt khó khăn của khu vực bắc miền Trung với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 57% trong tổng số 612 hộ dân, nhờ nguồn vốn chính sách đầu tư đúng lúc, Na Ngoi đã tập trung vào công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế cho đồng bào dân tộc. Từ khi bà con được tiếp cận và thụ hưởng vốn vay ưu đãi của Chính phủ, cuộc sống của bà con nơi đây dần đã thay đổi, thực hiện vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi vào cải tạo đồng ruộng xử lý nguồn nước tự chảy vừa đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất lúa nước vụ xuân. Theo Ông Xồng Xái Xo, toàn xã Na Ngoi có 450ha ruộng bậc thang nhưng đều trông chờ vào nước mưa thiên nhiên nên chỉ làm 1 vụ lúa hè thu. Khi người dân chung sức, đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ vào khai thác công trình nước tự chảy, mua giống mới, cải tạo đồng đất thì mô hình trồng lúa nước phát triển mạnh cho năng suất bình quân 3tạ/sào (6 tấn/ha).

Vụ xuân 2012, riêng vợ chồng ông Xổng Bá Tênh làm 6 sào thu hoạch được 2 tấn thóc. Để mô hình thành công, UBND xã phối hợp cùng Tổng đội Thanh niên xung phong (Tổng đội 4), cán bộ khuyến nông và NHCSXH huyện xuống tận thôn bản vừa hướng dẫn, vừa bắt tay cùng làm với bà con cách thức phân chia vốn vay hợp lý vào từng khoản mục cũng như quy trình chăm sóc đồng ruộng cấy lúa nước. Từ đó, đã nâng cao ý thức tự giác của bà con dân tộc thiểu số, để mỗi năm Na Ngoi có thêm gần 40 tấn thóc, góp phần giải quyết được vấn đề thiếu gạo cho dân, đồng thời giảm đáng kể diện tích lúa rẫy, tạo điều kiện cho số diện tích đất đồi còn lại chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như: gừng, miến dong, khoai sọ…

Từ hiệu quả của đồng vốn chính sách trong sản xuất lúa nước và xuất phát từ quỹ đất đồi, đất rừng ở Na Ngoi có độ cao phù hợp, lại nằm gọn trong vùng tiểu khí hậu ôn đới, phù hợp cho cây chè Tuyết San và Hoa Ly phát triển, Hội Nông dân của xã đã lập dự án và được NHCSXH huyện Kỳ Sơn làm “bà đỡ”, nên trong 6 năm qua đã có 108 hộ sử dụng hơn 1 tỷ đồng vốn vay từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đầu tư thâm canh giống chè này theo vùng sản xuất tập trung trên 800ha.

Cũng nhờ từ ngày có NHCSXH cho vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời làm “bà đỡ” mát tay đến nay, trên vùng rẻo cao biên giới Na Ngoi gần như không lúc nào thiếu rau xanh. Riêng diện tích trồng bắp cải sạch của xã, mỗi năm cho thu hoạch gần 150 tấn để tiêu thụ ở địa bàn thị trấn Mường Xén, cách xã Na Ngoi 67km. Hiện tại, chính quyền địa phương có chủ trương Na Ngoi phấn đấu thành vùng chuyên canh lớn về rau sạch. Các hộ đồng bào sinh sống nơi đây đều hăng hái thi đua sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, và đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới để phát triển, vùng rau được trồng theo GAP, năng suất cao. Đây chính là ước mơ của người dân vùng cao mong muốn được các cấp, ngành, trong đó: NHCSXH tiếp tục hỗ trợ vốn để cho kế hoạch sản xuất được thực hiện, phát triển sớm thành một trong những xã giàu có nhất nơi miền Tây tỉnh Nghệ An.

Bài và ảnh Hồ Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác