Khi nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả: Đói nghèo lùi xa

21/10/2013
(VBSP News) Mường Chà (Điện Biên) là huyện miền núi nghèo, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống hạ tầng còn yếu và thiếu chưa kể nhận thức cũng như phương thức sản xuất của người dân còn lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao. Những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, người dân nơi đây đã sử dụng vốn đúng mục đích, nhờ đó, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Từ nguồn vốn của Chính phủ, gia đình chị Luyến đầu tư nuôi lợn nên đã thoát nghèo

Từ nguồn vốn của Chính phủ, gia đình chị Luyến đầu tư nuôi lợn nên đã thoát nghèo

Trong chuyến công tác Mường Chà mới đây, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. Nhiều hộ trước đây thường xuyên bị cái đói, cái nghèo đeo bám, nay đã thoát nghèo, vươn lên khá - giàu, trong đó: nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đóng vai trò rất quan trọng.

Gia đình anh Khoằng Văn Hặc, chị Phìn Thị Quế ở Tổ dân phố 12, thị trấn Mường Chà là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Cũng nhờ nguồn vốn này, gia đình anh đã gây dựng được cơ ngơi đáng để nhiều người mơ ước với 2 ao cá rộng hàng ngàn mét vuông, ngôi nhà sàn 2 tầng khang trang đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt gia đình, một dãy nhà trọ hàng chực phòng cho học sinh thuê.

Anh Học cho biết, hai vợ chồng đều là cán bộ nghỉ hưu, cuộc sống tuy không quá thiếu thốn nhưng cũng rất chật vật, khó khăn. Năm 2004, gia đình được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH. Từ đó, anh đầu tư mua trâu về nuôi và đào ao thả cá. Sau một năm thu hoạch, có thêm vốn, anh lại đầu tư nuôi lợn, gà. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng anh đã xây được dãy nhà trọ 18 phòng cho học sinh thuê với giá 500.000 đồng/phòng/tháng; sở hữu 3 ao cá với tổng diện tích 3.200m², mỗi năm nuôi 3 lứa gà, vịt, ngan, mỗi lứa hàng trăm con… Không dừng lại ở đó, hiện chị Quế còn làm thêm bánh, thu nhập đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình.

Chị Quế tâm sự: “Cũng nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà gia đình mới có cơ ngơi như hôm nay. Không tính tiền lương hưu của hai vợ chồng, từ các nguồn chăn nuôi, buôn bán, cho thuê phòng trọ… mỗi năm gia đình có thu gần 200 triệu đồng. Khi cuộc sống đã ổn định, chúng tôi lại tạo điều kiện cho các hộ khác vay để phát triển kinh tế, tính đến nay đã cho các hộ vay 150 triệu đồng”.

Gia đình chị Phìn Thị Quế trở nên khá giả từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăm

Gia đình chị Phìn Thị Quế trở nên khá giả từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn

Theo NHCSXH huyện Mường Chà, trong 11 năm qua, các chương trình tín dụng đã góp phần giảm được 1.155 hộ nghèo, giải quyết việc làm cho 1.690 lao động, tạo điều kiện cho 7 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 1.250 hộ có HSSV vay vốn để học tập…

Cách nhà chị Quế không xa là cơ ngơi của gia đình chị Phòong Thị Luyến ở tiểu khu 13, cũng là hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn của NHCSXH. Gia đình chị vốn thuộc danh sách hộ nghèo của khu. Năm 2006, được vay 5 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, chị Luyến mua lợn về nuôi, để có thêm nguồn thu, chị kết hợp nấu rượu để tận dụng bã làm thức ăn cho lợn. Ban đầu do vốn ít, chị chỉ nuôi 2 con, rồi 5 con, sau đó đàn lợn cứ tăng dần, hiện trong chuồng lúc nào cũng có 25 con lợn. Trung bình mỗi năm nuôi 3 lứa, mỗi lứa thu về 40 - 50 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình chị cũng có khoản tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, mỗi ngày chị thu về 100.000 đồng từ bán rượu. Với cách làm này, gia định chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo (năm 2010).

“Cảm ơn Đảng, Chính phủ và NHCSXH đã tạo điều kiện cho những người dân nghèo như chúng tôi có vốn để phát triển kinh tế. Đây là lực đẩy quan trọng để chúng tôi vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu” - chị Luyến tâm sự.

Hoàng Văn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác