Yên tâm thoát nghèo

23/10/2013
(VBSP News) Ờ một xã còn nhiều khó khăn như Phú Lạc, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Quyết định số 15/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng cho hộ cận nghèo đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân trên con đường phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Tâm sử dụng vốn vay hộ cận nghèo xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn

Chị Nguyễn Thị Tâm sử dụng vốn vay hộ cận nghèo xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn

Niềm vui có vốn

Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm ở xóm La Thức, xã Phú Lạc thuộc diện hộ cận nghèo. Trước đây, gia đình chị từng nghèo nhất nhì xã, sau khi vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, chị tập trung trồng chè và phát triển chăn nuôi. Năm 2011, chị thoát khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn hết sức bấp bênh, chị chẳng biết tìm đâu ra vốn để phát triển chăn nuôi, sản xuất bởi chị không còn trong diện được vay vốn NHCSXH.

“Sau khi thoát nghèo, gia đình tôi đứng trước nguy cơ nghèo trở lại, không có vốn để chăn nuôi và phát triển đồi chè, nên nghe tin Nhà nước có quyết định cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi thì chúng tôi rất vui mừng” - chị Tâm nhớ lại. Niềm vui ấy trở thành sự thực khi vừa mới đây, gia đình chị được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng từ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo.

Ông Nguyễn Côn ở xóm La Hoàn, xã Phú Lạc đang chăm sóc con trâu mới mua từ vốn vay hộ cận nghèo, cười tươi cho chúng tôi biết: “Gia đình được vay 30 triệu đồng, mình đã mua một con trâu và mua giống chè mới để trồng. Mình vui lắm”.

Gia đình chị Tâm, ông Côn chỉ là hai trong rất nhiều hộ dân tại huyện Đại Từ được thụ hưởng vốn vay chương trình hộ cận nghèo. Ông Lưu Tuấn Vinh - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lạc cho biết, chính sách tín dụng dành cho đối tượng hộ cận nghèo phù hợp với yêu cầu thực tế và có ý nghĩa trong công tác giảm nghèo của địa phương. Trước đây, hộ cận nghèo chỉ được vay vốn một số chương trình tín dụng ưu đãi như Chương trình HSSV, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, số hộ cận nghèo được vay không đáng kể và chưa có động lực để vươn lên phát triển kinh tế, trong khi đó mức chênh lệch giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ 1.000 đồng, một đợt thiên tai, dịch bệnh là hộ cận nghèo lại tái nghèo trở lại. Chính vì thế, có rất nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ ưu đãi của Chính phủ, trong đó có vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ như một luồng gió mới thổi bùng lên “ngọn lửa” thoát nghèo bền vững đang dập dìu bấy lâu nay, hộ cận nghèo vui mừng đón nhận và mong muốn nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH sẽ giúp họ mở rộng cánh cửa thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Cần điều chỉnh mức cho vay

Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại những tác động tích cực trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn của nước ta. Qua tiếp xúc với nhiều hộ cận nghèo, chúng tôi nhận thấy người dân mong muốn Chính phủ nâng hạn mức cho vay để hộ cận nghèo có đủ vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Đây là lần đầu tiên hộ cận nghèo được tiếp xúc với nguồn vốn ưu đãi, tuy nhiên hạn mức cho vay tối đa 30 triệu đồng/hộ vẫn còn thấp, lãi suất cho vay rất ưu đãi. Với tình hình giá cả hiện nay thì mức cho vay 30 triệu đồng là thấp so với nhu cầu thực tế.

Ở một khía cạnh khác, nguồn vốn của Chính phủ còn hạn chế, nhiều hộ cận nghèo vẫn chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, mặc dù NHCSXH đã cố gắng làm hết mọi khả năng để đáp ứng nhu cầu của hộ cận nghèo, nhưng trong điều kiện nền kinh tế và ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của hộ cận nghèo. Ví như ở huyện Đại Từ, theo ông Phạm Thế Khả - Giám đốc NHCSXH huyện, toàn huyện có 6.513 hộ cận nghèo (chiếm 13,92% số hộ), trong khi với nguồn vốn được phân bổ, NHCSXH huyện mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ vốn vay cho hộ cận nghèo…

Bài và ảnh Trần Giáp

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác