Phát triển mô hình nuôi thủy sản trên đất trồng lúa
Một trong số mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trên nền đất lúa phát triển mạnh, đạt hiệu quả kinh tế cao là của hộ nông dân Phạm Văn Trung ở ấp Trường Phúc, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Anh Trung cho biết, gia đình có tổng cộng 5ha đất lúa, riêng 1ha sau nhà được đắp đê bao vững chắc để luân canh thuỷ sản lúa - thuỷ sản. “Được Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư hỗ trợ kỹ thuật và NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm, tôi đã mua con giống tốt, cải tạo đồng ruộng, thực hiện chuyển sang nuôi ghép nhiều loại cá rô, cá chép, cá mè ngay sau vụ lúa hè thu, chứ không làm tiếp lúa vụ thu đông như trước nữa” - anh Trung tâm sự.
Theo anh Trung, mỗi ha nuôi cá luân canh trên đất lúa nếu thực hiện lồng ghép tốt việc đưa tiến bộ kỹ thuật và sử dụng vốn vay chính sách vào sản xuất thì sau 6 tháng chăm sóc sẽ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Còn nếu nuôi tôm càng xanh, năng suất đạt khoảng 1 tấn/ha là thành công, vì loài này có giá trị kinh tế cao. Bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo nhanh, bền vững và làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Tương tự, hộ anh Võ Hồng Quang ở ấp Trường Sơn, xã Trường Long Tây cũng mạnh dạn sử dụng vốn vay ưu đãi và kỹ thuật mới để nuôi tôm càng xanh trên 1,3ha đất lúa: “Cách đây 3 năm tham gia dự án của Hội Nông dân, tôi đã đầu tư nuôi tôm càng xanh, năng suất đạt 1,3 tấn/ha, giá bán 140.000 đồng/kg, thu được hơn 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Dự kiến tháng 11 tới thu vụ tôm, tôi tính trả hết nợ vay NHCSXH đợt trước và lập kế hoạch vay vốn ưu đãi của chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư mua thêm con giống, thức ăn, mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh đạt cỡ 15 - 20 con/kg mới thu hoạch, nhằm bán giá cao, làm cho kinh tế gia đình thật khấm khá mới thôi” - anh Quang phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Trưởng trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện Châu Thành A cho biết: Năm 2013, nông dân đã thả nuôi 313ha thuỷ sản trên đất lúa với hai dự án là nuôi tôm càng xanh, nuôi cá luân canh trên ruộng lúa và luân canh lúa - cá. Mục tiêu của dự án là năng suất đạt từ 10 tấn/ha trở lên sau 6 tháng nuôi, mức tiêu tốn là 1,3kg thức ăn cho 1kg thuỷ sản thương phẩm. Đồng thời, tham gia trực tiếp vào việc xóa nghèo, làm giàu ở vùng quê vốn độc canh cây lúa nước. Các hộ nông dân tham gia dự án, thực hiện mô hình được hỗ trợ một phần về con giống, chi phí thức ăn, đặc biệt được tập huấn kỹ thuật và vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời.
Bài và ảnh Hà Văn Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đánh thức một vùng biên
- » Đẩy mạnh đưa vốn vay về vùng khó khăn để thúc đẩy sản xuất
- » Yên tâm thoát nghèo
- » Đào tạo Dự án phát triển ngành lâm nghiệp năm 2013
- » Khi nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả: Đói nghèo lùi xa
- » Hà Giang: Tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động
- » Bình Thuận chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
- » Những đổi thay trên quê hương Tân Uyên
- » Quảng Nam ưu tiên phát triển nghề thủ công ở huyện vùng cao
- » Chung kết Hội thi “Thanh niên với vay vốn chính sách xã hội năm 2013”