Tiếp sức cho người dân Xứ đạo Kim Sơn

31/10/2013
(VBSP News) Kim Sơn là huyện miền biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên 220km2 và dân số khoảng 18 vạn người với 49.600 hộ, trong đó: đồng bào theo đạo công giáo chiếm tỷ lệ hơn 47%. Trước năm 2008, nơi đây còn đến 6/27 xã, thị trấn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và số hộ nghèo, hộ cận nghèo là 19,7%. Nguyên nhân nghèo khó chủ yếu do địa bàn huyện Kim Sơn đất chật, người đông. Cùng với đó, người dân chỉ quen sản xuất độc canh cây lúa và đánh bắt hải sản gần bờ, nhỏ lẻ, lại thường xuyên thiếu vốn, chậm phát triển kinh tế hàng hóa.
Làm hàng cói xuất khẩu ở Kim Sơn

Làm hàng cói xuất khẩu ở Kim Sơn

Trước thực trạng đó, Đảng bộ và chính quyền huyện Kim Sơn đã xây dựng, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo và đồng bào công giáo, đặc biệt chú trọng đến giải pháp tín dụng chính sách để làm động lực thúc đẩy công tác xóa nghèo và an sinh xã hội. Liên tục 11 năm qua từ khi thành lập đến nay, NHCSXH của miền đất bãi ngang, ven biển Kim Sơn đã không ngừng nâng cao hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, đồng thời tham mưu cho Lãnh đạo địa phương đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời cho các hộ nghèo và vùng khó khăn như hỗ trợ thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xóa nhà tạm bợ, dột nát, xây dựng nông thôn mới với những cơ sở hạ tầng và công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bền vững, đúng tiêu chuẩn.

Từ những cố gắng công tác và sự đồng thuận giữa NHCSXH với chính quyền, đoàn thể cơ sở và nhân dân, hiện tại NHCSXH huyện Kim Sơn đã triển khai cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi, nếu tính cả chương trình cho vay hộ cận nghèo (được thực hiện từ tháng 4/2013 đến nay) thì tổng dư nợ đạt trên 260 tỷ đồng. Hơn 15.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay thông qua 458 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ bãi ngang Cồn Thoi đến các làng xóm ở xã Chính Tâm, Xuân Thiện có gần 90% đồng bào theo đạo công giáo đã vay vốn và sử dụng vốn ưu đãi kịp thời vào công việc cải tạo ruộng đồng thâm canh lúa cao sản, mở mang diện tích ao đầm nuôi tôm, cá nước lợ, chăm lo cho con em thực hiện ước mơ của tuổi trẻ nơi giảng đường đại học, cao đẳng…

Kể riêng 9 tháng qua, dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo là 61,440 tỷ đồng với 5.968 hộ, bình quân đạt 10,3 triệu đồng/hộ. Kế đó là chương trình cho vay hộ cận nghèo tuy mới triển khai cũng đạt dư nợ 11,230 tỷ đồng với 664 hộ, và mức dư nợ bình quân là 16 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã tạo ra nguồn lực tài chính giúp người dân miền biển Kim Sơn chủ động sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, rất nhiều hộ thoát nghèo vững chắc, vươn lên làm ăn khá, trở thành gương sản xuất giỏi của tỉnh, huyện, như các hộ bà Lý Thị Khuê ở xã Thượng Kiệm, bà Định Thị Giang, xã Cồn Thoi chỉ từ 15 - 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH mà có người thâm canh 5 mẫu lúa thơm cao sản, có người đầu tư nuôi thả hàng chục ha tôm, cá thu hoạch quanh năm; hộ gia đình ông Phạm Văn Hùng, xã Chính Tâm vay 80 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm để mở cơ sở sản xuất hàng đan từ nguyên liệu cói, bẹ chuối, bèo bồng. Sau 3 năm cơ sở này làm ăn có lãi, ông Hùng đã mạnh dạn mở thêm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ 100 triệu đồng vốn hỗ trợ của NHCSXH, chàng trai Phạm Văn Đạo ở xóm 1 xã Tân Thành đã được tiếp sức mở doanh nghiệp may xuất khẩu Thuỳ Dung, tạo việc làm ổn định cho 120 lao động, đạt mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/tháng /người.

Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần đắc lực làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 15% trong năm 2003 xuống còn 9,99% năm 2012, dự kiến cuối năm 2013 là 7,1%; người dân miền biển Kim Sơn luôn có ý thức nộp lãi, trả nợ gốc đúng kỳ hạn, đầy đủ cho ngân hàng, do vậy chất lượng tín dụng ngày một nâng cao từ tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu 11,99% năm 2003, hiện đã giảm xuống còn 0,91% (30/9/2013).

Để đạt được kết quả trên, NHCSXH huyện Kim Sơn đã phấn đấu nỗ lực hết mình, vượt lên trên mọi khó khăn, thử thách và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mặt khác, coi trọng mối liên kết giữa NHCSXH với chính quyền, đoàn thể ở xã, phường và Tổ tiết kiệm và vay vốn trong thôn, xóm, tạo nên sự thành công của phương thức cho vay cũng như cách quản lý vốn ưu đãi trong mọi nơi, mọi lúc.

Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch - UBND huyện Kim Sơn khẳng định: Tỷ lệ hộ nghèo khó trong huyện nay đã giảm rõ rệt có vai trò đóng góp rất hiệu quả của công tác tín dụng chính sách. Song, so với mặt bằng chung của cả nước cũng như của tỉnh Ninh Bình, Kim Sơn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Bởi vậy, định hướng của huyện trong thời gian tới vẫn tiếp tục khai thác các lợi thế, tiềm năng của địa phương, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, để đẩy mạnh công cuộc xóa nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những mục tiêu chiến lược, sát thực tế và đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, đồng bộ, trong đó: các kênh vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH vẫn luôn là nguồn tiếp sức chủ đạo và bức thiết cho sự hồi sinh của người dân miền biển Kim Sơn.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác