Phụ nữ Ninh Bình với công tác uỷ thác cho vay vốn

11/07/2013
(VBSP News) Sau 10 năm thành lập NHCSXH, hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa NHCSXH với Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã giúp hàng nghìn đối tượng có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn ưu đãi. Hội Phụ nữ tỉnh được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt nhất công tác ủy thác cho vay, hiện nay tổng dư nợ chiếm 44,2% tổng dư nợ của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với NHCSXH tỉnh.
Phụ nữ thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) làm thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi

Phụ nữ thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) làm thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình: Việc ký kết văn bản liên tịch hợp đồng ủy thác về công tác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể nói chung và Hội Phụ nữ nói riêng đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các bên, đem lại hiệu quả rõ nét; nguồn vốn tăng trưởng nhanh, giải ngân kịp thời, nợ quá hạn giảm rõ rệt, nguồn vốn đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa nghèo của tỉnh.

Từ khi thực hiện công tác ủy thác cho vay với NHCSXH, nguồn vốn Hội Phụ nữ nhận ủy thác năm sau cao hơn năm trước, 100% cơ sở hội đều thực hiện dịch vụ ủy thác với NHCSXH. Tổng dư nợ Hội Phụ nữ nhận ủy thác đạt 686 tỷ đồng, đã cho trên 37 nghìn hộ vay vốn, chiếm 44,2% tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể. Vốn vay được giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, người vay được sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, cơ bản bảo đảm hoàn trả vốn đúng kỳ hạn, nợ quá hạn thấp (0,47%), thấp hơn mức bình quân chung của các cấp hội nhận ủy thác (0,53%).

Nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, trong 10 năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã giúp trên 7.700 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có trên 5.500 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nhiều gia đình được sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, hàng trăm ngôi nhà của phụ nữ nghèo được xây dựng khang trang; nhiều con em của các gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để theo học đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề trên cả nước.

Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, các cấp Hội Phụ nữ luôn sát cánh cùng NHCSXH thực hiện nhiều giải pháp để phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất. Các cấp hội đã tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, chương trình tín dụng đối với HSSV đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội Phụ nữ cơ sở tích cực tham gia cùng với chính quyền, các đoàn thể xác định đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH.

Việc bình xét vay vốn đều đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ. Tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiệm vụ động viên chị em tham gia gửi tiền tiết kiệm, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi, trao đổi kinh nghiệm làm ăn lồng ghép với các nội dung sinh hoạt hội. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH giải ngân đúng đối tượng, trực tiếp thu lãi hàng tháng, đôn đốc hội viên trả vốn khi đến hạn. Nhiều trường hợp chị em vay vốn gặp rủi ro, hội đã vận động mọi thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ để trả vốn, lãi, có những trường hợp có biểu hiện nợ chây ỳ, khó đòi, cán bộ hội đã kiên trì vận động để đảm bảo thu hồi nợ đúng hạn.

Có thể nói, nguyên nhân nghèo của hầu hết các hộ nghèo là do thiếu vốn và thiếu kiến thức làm kinh tế. Vì vậy, để giúp các hộ nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh rất coi trọng việc hướng dẫn các hội viên vay vốn về kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh. Hàng năm, hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật theo mùa vụ hoặc theo từng loại cây trồng, con nuôi, loại hình sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ. Việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật không chỉ tổ chức ở cấp xã mà còn tổ chức ở chi hội, thôn, xóm. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ còn tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm cho phụ nữ từ các nghề thêu, chế biến cói, đan bèo khô, chẻ tăm hương… giúp phụ nữ tăng thu nhập. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp đã tạo thêm việc làm cho hơn 18 nghìn phụ nữ với thu nhập bình quân 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ hoàn trả gốc, lãi vay đúng kỳ hạn.

Sau 10 năm thực hiện hoạt động ủy thác cho vay từ nguồn vốn vay của NHCSXH, Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Bình đã giúp hàng nghìn hội viên phụ nữ thoát nghèo, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Hồng Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác