Đại tâm đã chuyển mình…

08/07/2013
(VBSP News) Xã Đại Tâm vốn là vùng đất chua phèn của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống chủ yếu của người dân nơi đây là độc canh cây lúa. Sau hơn 3 năm triển khai các dự án vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mở mang ngành nghề, nên Đại Tâm đã có bước chuyển mình đáng kể.
Người dân xã Đại Tâm phát triển giống bưởi da xanh Bến Tre

Người dân xã Đại Tâm phát triển giống bưởi da xanh Bến Tre

Nói về những đổi thay của quê hương mình, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm Lâm Sơn Hiển cho biết: “Bộ mặt nông thôn của xã ngày càng thay da đổi thịt, nguồn vốn ưu đãi đã chuyển đến tại nơi cư trú của các đối tượng được thụ hưởng; hệ thống giao thông liên ấp hoàn chỉnh, nhà cửa được xây dựng khang trang thay thế những căn nhà tạm bợ dột nát”.
Còn nhiều và rất nhiều những đổi thay lớn lao của một xã vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ông Chủ tịch xã cho biết thêm: “Bà con Khmer ở Đại Tâm hôm nay đã phần nào bắt kịp nhịp sống của thời kỳ công nghiệp hóa nông thôn. Thông qua việc vay vốn tín dụng của NHCSXH, nhiều gia đình đã mua sắm cây con giống mới, máy móc phục vụ sản xuất, thâm canh đồng ruộng, xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với phát triển kinh tế vườn. Hiện, xã Đại tâm không còn hộ đói, hàng trăm hộ được thoát nghèo”.
Tính đến nay, hàng nghìn lượt hộ gia đình đồng bào Khmer xã Đại Tâm vay trên 20 tỷ đồng thuộc 6 chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Mỹ Xuyên. Đồng vốn ưu đãi cũng đã được bà con dùng vào mục đích sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăm lo việc học tập của con em, xây dựng hệ thống nước sạch để đảm bảo sức khoẻ, nâng cao chất lượng sống và phát triển sản xuất nông nghiệp… Khá nhiều hộ dân Khmer nghèo trước đây nhờ nguồn vốn vay ưu đãi làm điểm tựa đã vươn lên làm ăn khá giả, trở thành điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đó là trường hợp ông Lý Sản Cánh ngụ ấp Toàn Thạch mới ngày nào vẫn còn rất khó khăn. Nhà có đất đai rộng tới 7 công mẫu nhưng vì không có vốn liếng, trâu cày nên phải để cảnh đồng ruộng hoang hóa, quanh năm đi làm thuê vác mướn. Nhưng từ khi gia nhập Hội Nông dân của xã, tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp, ông Cánh đã 3 lần được vay tổng cộng 37 triệu đồng vốn ưu đãi để cải tạo vườn tạp trồng cam ngọt giống Hậu Giang, bưởi xanh giống của Bến Tre, cũng như đào ao thả cá, xây chuồng nuôi heo và làm 2 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn. Cùng với đó, ông còn được cán bộ ngân hàng phối hợp với cán bộ nông nghiệp của huyện tận tình hướng dẫn cách lồng ghép sử dụng vốn vay ưu đãi với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, để đàn heo chóng lớn, vườn cam sai quả, không bị sâu bệnh. Mùa vụ năm 2012 - 2013, gia đình ông bội thu, lời ngót nghét 120 triệu đồng, dư dật tiền nong trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng và mở rộng sản xuất.
Liền kề nhà ông Lý Sản Cánh là gia đình chị Lâm Thị Muôn trước năm 2008 cũng rất nghèo khổ, lại không có đất làm ruộng. Tiếp khách trong căn nhà mới xây xong, chị Muôn tâm sự: “Hồi ấy ở làng quê này nhiều người nghèo lắm, nhưng khó tìm ra ai nghèo hơn vợ chồng tôi đâu. Nhà ở xiêu vẹo, chật chội, mong có vài ba trăm nghìn đồng để nuôi con heo, con gà mà chẳng biết xoay xở, vay mượn ở đâu nữa, nhưng may mắn sao, giữa năm 2005, gia đình tôi đã được vay 10 triệu đồng của NHCSXH với lãi suất ưu đãi để mua cặp bò nái về nuôi. Nhờ “mát tay” chăn nuôi, bò khoẻ mạnh, sinh sản được bê con đều đặn mỗi năm 1 lứa. Cứ như thế đồng vốn vay sinh sôi. Gia đình phấn chấn nuôi thêm bò vỗ béo, thoát hẳn cảnh nghèo khổ, nay có của ăn của để, xây nhà ở vững chắc, mua 2 công đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò.
Từ những người thực, việc thực ở xã Đại Tâm đã mang lại niềm tin tưởng và hy vọng vào tương lai của đồng bào Khmer nghèo khi cùng một lúc được tiếp cận với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Ông Thạch Lền Sử - Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định: “Việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi của NHCSXH ở xã Đại Tâm đã và đang được cả cộng đồng dân cư phấn chấn tham gia và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội, trong đó: NHCSXH làm động lực chính hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer thoát nghèo nhanh, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác