Trong vị ngọt cây vải…

03/07/2013
(VBSP News) Bên cạnh việc cho vay vốn đầu tư các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng..., chương trình cho vay phát triển cây vải mà NHCSXH tỉnh Bắc Giang thể hiện đã thực sự giúp người dân phát huy được hiệu quả đồng vốn cũng như phát triển cây vải đặc sản có giá trị kinh tế cao, tạo ra một sản phẩm hàng hóa nổi tiếng đặc trưng vùng miền.
Mùa vải Bắc Giang đang vụ thu hoạch

Mùa vải Bắc Giang đang vụ thu hoạch

Xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có địa hình tương đối phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất chủ yếu thâm canh cây lúa và hoa màu có giá trị thấp. Xã có 1.700 hộ với 7.600 nhân khẩu, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện khá cao với hơn 65%. Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có chuyển những đồi cây trồng kém hiệu quả sang trồng vải thiều đã đem lại chuyên biến đáng kể.

Khó khăn muôn thuở của hộ nghèo là vốn đã phần nào được giải quyết khi NHCSXH phối hợp với chính quyền làm thủ tục cho gần một nghìn hộ nghèo của xã vay để đầu tư phát triển kinh tế như nuôi bò, ngựa, trồng rừng sản xuất… Hàng trăm hộ đã đầu tư trồng, chăm sóc cây vải, nhờ đó mà nhiều gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống dần thoát nghèo, thoát nghèo vững chắc, thậm chí nhiều hộ đã có thể từng bước làm giàu.

Gia đình chị Đỗ Thị Quỳnh ở thôn Đồng Rau, xã Tân Sơn, trước đây được vay chương trình hộ nghèo đầu tư nuôi trâu, trồng rừng, nhờ chịu khó nên hết kỳ hạn vay đã thoát nghèo. Gia đình chị Quỳnh được chính quyền đánh giá cao về cách thức tổ chức sản xuất, giờ gia đình không những thoát nghèo bền vững mà còn có thể vươn cao hơn nữa nhờ diện tích rừng xanh tốt, vườn vải cho vụ mùa bội thu.

Bà Triệu Thị Ninh - Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, bà con có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, phương thức vay lại dễ dàng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ xã Tân Sơn có thể thoát nghèo, do vậy tỷ lệ hộ nghèo những năm gần đây giảm đáng kể, từ hơn 92% năm 2010 xuống còn 65,58% năm 2012. Đặc biệt, vài năm trở lại đây bà con đầu tư trồng cây vải thiều đã cho hiệu quả kinh tế cao, có hộ thu nhập 200 đến 300 triệu đồng từ quả vải”.

Huyện miền núi Lục Nam, trong 27 xã, thị trấn có đến 23 xã thuộc vùng khó khăn (xã vùng II), giao thông đi lại còn khó khăn, mùa vụ cơ bản phụ thuộc vào thiên nhiên, mỗi khi dịch bệnh, thiên tai ập đến thì cuộc sống bà con nông dân, đặc biệt hộ nghèo, lại thêm chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ các chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH và sự vào cuộc của các ngành chức năng, hộ nghèo có vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có thêm kiến thức trong canh tác và kinh nghiệm sản xuất từ cộng đồng. Vì vậy, người dân dần làm chủ được mùa vụ, làm ra những sản phẩm, hàng hóa có giá trị, đời sống kinh tế từng bước được nâng lên.

Anh Đào Văn Quảng - Chủ tịch UBND xã Tam Dị, huyện Lục Nam cho biết: “Toàn xã hiện còn dư nợ của NHCSXH hơn 16 tỷ đồng. Từ ngày có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, bà con ở các thôn vùng xa của xã, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhờ có vốn vay ưu đãi nên có điều kiện đầu tư cải tạo, chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi gà thịt… cho giá trị kinh tế cao”.

Qua những con đường nhỏ chỉ có thể đi bộ vào khu đất rừng hơn 3ha mới được cải tạo của gia đình, anh Hoàng Văn Thủ ở thôn Trại Trầm, xã Tam Dị vui mừng chỉ cho chúng tôi hay, gia đình anh được vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đầu tư cải tạo hơn 3ha đất đồi trồng vải thiều, dứa và nuôi gà, mỗi năm trừ chi phí còn thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn làm thủ tục cho hơn 430,5 nghìn lượt hộ vay vốn với doanh số cho vay gần 4 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hơn 100 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 201 nghìn lao động, hơn 77 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, 8.017 ngôi nhà được làm mới và cải tạo thực sự góp phần làm thay đổi diện mạo tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác