Chung tay xây mái ấm cho người nghèo

28/06/2013
(VBSP News) Từ 2009 - 2012, tỉnh Bình Phước có 3.171 hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ xây nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền do NHCSXH cho vay hơn 25 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Rịu bên cạnh ngôi nhà vay vốn từ chương trình 167

Chị Nguyễn Thị Rịu bên cạnh ngôi nhà vay vốn từ chương trình 167

Không an cư, làm sao lập nghiệp

Anh Lương Văn Hòa hiện ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú năm nay 54 tuổi nhưng vẫn độc thân, không đất đai, cũng chẳng nghề nghiệp ổn định. Thời gian trước đây, do không có nhà cửa nên anh Hòa sống như một kẻ lang thang, nay đây mai đó. Ban ngày đi làm thuê mướn để kiếm sống. Buổi tối về hễ chỗ nào ngả lưng được là anh vào nghỉ tạm. Có thời gian, người ta thấy anh Hòa che túp lều trong vườn cao su thuộc ấp Minh Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú. Vào mùa mưa, trong lều cũng như ngoài trời vì lều của anh đã dột nát.

Năm 2009, xét hoàn cảnh của anh Hòa, UBND xã Tân Tiến và NHCSXH huyện Đồng Phú quyết định hỗ trợ anh Hòa xây nhà theo chương trình 167 của Chính phủ với tổng số tiền khoảng 17 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 9 triệu đồng và NHCSXH cho vay 8 triệu đồng. Có tiền rồi nhưng anh Hòa lại không có đất để cất nhà, vì vậy chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương lại tiếp tục vận động hàng xóm, bà con dòng họ của anh Hòa giúp anh có đất để xây nhà. Nhận thấy đây cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực nên anh Lê Văn Sửu, một người có quan hệ thông gia với gia đình anh Hòa (mà theo lời anh Hòa thì đó là “anh vợ của ông anh”) cắt cho anh Hòa một miếng đất để làm nhà. Giờ đây, mặc dù đời sống vẫn còn nhiều vất vả, nhưng với anh Hòa, việc có căn nhà đã phần nào giúp anh bớt khó khăn. Hàng ngày, sau giờ đi làm về, anh đã có nơi để nghỉ ngơi. Anh Hòa nói: “Con chim có tổ, thì con người phải có nhà. Người không nhà khổ lắm. Đâu chỉ có những việc phải lo chạy mưa, che nắng mà người không nhà hầu như chẳng có uy tín gì. Lúc khó khăn muốn vay mượn cũng chẳng ai dám cho, vì thấy mình chẳng có gì bảo đảm, biết mình ở đâu mà tìm”.

Mái ấm nghĩa tình

Cũng như anh Hòa, anh Hoàng Đăng Khoa 45 tuổi theo gia đình vào Bình Phước đã lâu nhưng không có đất đai nhà cửa. Anh chỉ làm thuê mướn và sống lang thang. Năm 2001, trong một lần đi làm phụ hồ, anh Khoa gặp chị Nguyễn Thị Rịu làm nghề giúp việc nhà và hai người đã thành vợ chồng. Thấy hoàn cảnh đáng thương của đôi vợ chồng này, một người dân ở ấp Minh Hòa, xã Tân Tiến bán cho một thửa đất (rộng khoảng 40m²) để cất nhà ở với giá chỉ 3 triệu đồng và còn cho nợ, hễ lúc nào có tiền thì trả. Có đất, vợ chồng anh Hòa cất một căn chòi tạm để ở. Năm 2009, khi Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, vợ chồng anh Hòa được chính quyền địa phương hỗ trợ cho xây căn nhà trị giá 17 triệu đồng. Vốn là công nhân xây dựng, anh Hòa chỉ mua vật liệu và thuê thêm một thợ xây chính và tự mình đứng ra phụ hồ để hoàn thành căn nhà. Trò chuyện với chúng tôi, chị Rịu xúc động nói: “Hoàn cảnh của chúng tôi quá nghèo. Tôi thì đi giúp việc nhà cho người ta, chồng làm thợ hồ bữa được bữa không. Chạy cái ăn hàng ngày còn vất vả. Nếu không được sự giúp đỡ của Nhà nước, gia đình tôi chẳng biết đến bao giờ mới có nhà để ở”.

Ông Nguyễn Tấn Luật - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, hiện tại toàn xã có 6 trường hợp khó khăn về nhà ở, hầu hết đều không có đất sản xuất và thiếu lao động. Nhưng cái khó nhất đối với các hộ này là không có đất để cất nhà. Tiền xây một căn nhà thì có thể vận động được, nhưng tiền mua đất thì quá cao. Hiện tại, giá một thửa đất cất nhà ở địa phương thấp nhất cũng trên dưới 100 triệu đồng, đó là chưa kể nếu là đất nông nghiệp thì phải chuyển lên thổ cư hết hàng chục triệu đồng nữa. “Hướng giải quyết của địa phương là vận động nhân dân hàng xóm, bà con dòng họ của các hộ nói trên hỗ trợ cho họ đất cất nhà. Nếu vẫn không được thì đành phải chờ đến khi nào tỉnh, huyện có dự án hỗ trợ nhà ở cho người dân, chẳng hạn như dự án định canh, định cư thì đưa họ vào” - ông Luật nói.

Còn theo ông Đặng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, đến 2015, toàn xã không còn hộ khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cũng hết sức khó khăn do những nguyên nhân vừa nêu. Ông Tiến cũng cho hay, hiện nay huyện Đồng Phú đã có chủ trương lập quĩ đất để tổ chức định canh, định cư cho những người khó khăn về nhà ở nhưng vẫn chưa thực hiện. Ông Tiến nói: “Nếu chủ trương trên sớm được thực hiện, sẽ có thêm nhiều người nghèo có nhà ở”.

Điểu Nhất

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác