Giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư

05/07/2013
(VBSP News) Nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức tích lũy tiền tiết kiệm để hỗ trợ những lúc khó khăn, cũng như quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã không ngừng đẩy mạnh thực hiện chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm của người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 1.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia và được ủy nhiệm thu tiền gửi tiết kiệm, với tổng số tiền đã huy động được trên 6,4 tỷ đồng. Số tiền này hiện nay đã được phía ngân hàng giải ngân cho nhiều hộ nghèo vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Hộ nghèo đã biết tích lũy gửi tiền tiết kiệm cho NHCSXH thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hộ nghèo đã biết tích lũy gửi tiền tiết kiệm cho NHCSXH thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn

Theo NHCSXH tỉnh Đắk Nông tỉnh thì chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn được triển khai theo hình thức tự nguyện. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ với nhau (nhưng mức gửi tiết kiệm chung là từ 10 đến 100.000 đồng/người/tháng), tất cả đều phải được công khai với người dân. Để giúp cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn quen dần với hình thức này, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã tiến hành tổ chức nhiều lớp tập huấn. Bên cạnh việc tập huấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn, phía ngân hàng còn trực tiếp làm mẫu các thủ tục để mọi người có thể tự làm, theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đối với các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Những vướng mắc phát sinh trong ghi chép sổ, phiếu thu, ngân hàng cùng các tổ chức hội cũng giải đáp ngay cho các Tổ trưởng và các hội viên gửi tiền tiết kiệm. Việc đánh giá, phân loại tổ, lựa chọn những Tổ tiết kiệm và vay vốn đủ điều kiện, đủ tiêu chí để ủy nhiệm thu tiết kiệm cũng được NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã để tiến hành. Với những tổ đủ điều kiện ủy nhiệm thu tiết kiệm, ngân hàng còn kết hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức họp tổ, phổ biến nội dung, bàn bạc thống nhất về việc gửi tiết kiệm và mức tiền gửi để ghi vào quy ước hoạt động của tổ. Nhờ tích cực đẩy mạnh chủ trương đó nên số tiền huy động được tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên, góp phần từng bước tạo thói quen tiết kiệm để tháo gỡ những khó khăn cho người dân.

Huyện Đắk Mil hiện có 152/188 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia và được ủy nhiệm huy động tiền gửi tiết kiệm; NHCSXH huyện đã huy động được số tiền trên 400 triệu đồng. Bà Chu Thị Bích Liên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xã Đức Mạnh cho biết: “Nhằm thực hiện tốt chủ trương, kế hoạch của NHCSXH tỉnh, huyện, thời gian qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã đã tiến hành họp dân tại các thôn, buôn để vận động, tuyên truyền tới mọi hộ nghèo trên địa bàn. Với mức tiền quy định từ 40 đến 100.000 đồng/người/tháng nên hầu hết các thành viên đều tích cực tham gia. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn của xã đã huy động được trên 40 triệu đồng. Với số tiền tiết kiệm này, mỗi khi thành viên nào trong tổ gặp khó khăn, không đủ tiền để trả nợ gốc, lãi cho phía ngân hàng, hoặc thiếu vốn phát triển kinh tế thì tổ sẽ cho thành viên đó vay để giải quyết khó khăn trước mắt và tạo điều kiện cho trả dần qua các năm”. Bà Nguyễn Thị Hạnh, một trong những hộ gia đình thuộc diện nghèo tham gia vào hoạt động này bày tỏ: “Đã gần 2 năm nay, gia đình tôi gửi tiền tiết kiệm ở tổ với mức 50.000 đồng/tháng. Tham gia vào hoạt động này, không những giúp cho tôi nâng cao nhận thức về các chương trình tín dụng ưu đãi của ngân hàng mà còn hỗ trợ cho gia đình tôi vào những lúc khó khăn. Vừa qua, đứa con lớn của tôi đậu đại học, vì chưa có đủ tiền để con vào trường nhập học nên Tổ tiết kiệm và vay vốn của xã đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay 10 triệu đồng. Nhờ số tiền này mà không những con tôi được nhập học kịp thời mà gia đình tôi cũng có thêm thời gian để xoay xở”.

Không chỉ ở Đắk Mil mà hiện nay hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được NHCSXH ở các huyện Chư Jút, Đắk R’lấp, thị xã Gia Nghĩa triển khai sâu rộng đến với tất cả các hộ nghèo tại địa bàn. Bởi, thông qua hình thức này, người nghèo không chỉ tạo cho mình thói quen để dành đồng vốn hỗ trợ những lúc khó khăn, mà còn giúp cho họ từng bước làm quen với các hoạt động tín dụng, cũng như nhiều chương trình ưu đãi khác của Nhà nước.

Cũng theo NHCSXH tỉnh Đắk Nông thì trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể và Ban giảm nghèo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về việc thực hiện chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm, để nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của hoạt động này. Đối với những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém, chưa đủ điều kiện triển khai huy động tiết kiệm thì ngân hàng tiếp tục chấn chỉnh, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động; đồng thời, lựa chọn người có khả năng quản lý làm Tổ trưởng để đảm bảo tất cả các Tổ tiết kiệm và vay vốn đều thực hiện được nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên.

Theo Nguyễn Lương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác