Huyện Bạch Thông đất nào, cây nấy
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bạch Thông: Việc quy hoạch vùng kinh tế mang tính định hướng phát triển. Trên cơ sở dựa vào đặc điểm khí hậu, đất đai của từng vùng huyện đầu tư có trọng điểm, tập trung theo hướng chuyên canh. Việc làm này không những giúp nông dân thay đổi tư duy tập quán canh tác, mà còn hình thành được vùng sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập. Theo đó, vùng sản xuất cây lương thực có hạt (lúa, ngô), bao gồm các xã: Hà Vị, Phương Linh, Tú Trĩ, Lục Bình, Tân Tiến, Cẩm Giàng, Nguyên Phúc. Đặc điểm của vùng này có diện tích đất ruộng lớn (khoảng 800ha), đất đai màu mỡ, hệ thống kênh mương thủy lợi được quan tâm đầu tư. Ví dụ: xã Hà Vị, có diện tích sản xuất nông nghiệp gần 119ha. Từ vốn chương trình 135, vốn tỉnh và dự án tổ chức chính trị - xã hội, vốn vay NHCSXH, xã đầu tư xây dựng 11 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu chủ động. Nhờ vậy, năm 2012 năng suất lúa đạt gần 56 tạ/ha, ngô 45 tạ/ha, sản lượng lương thực toàn xã đạt 1.247 tấn. Hiện nay, gần 80% người dân Bạch Thông sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, với tổng sản lượng lương thực đạt trên 18 ngàn tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Bạch Thông là huyện có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Với chủ trương phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, huyện mở rộng diện tích 2 loại cây trồng đặc sản, có thế mạnh của địa phương là cam, quýt. Năm 2005 toàn huyện chỉ có 203 ha cam quýt, đến năm 2010 tăng lên gần 710ha, năm 2011 và 2012 trồng mới trên 150ha, nâng tổng diện tích lên trên 800ha, sản lượng đạt trên 2.200 tấn/năm. Mấy năm qua từ vùng cam, quýt Quang Thuận, huyện mở rộng quy hoạch ra các xã Dương Phong, Đôn Phong… Đối với các loại cây ăn quả khác, như vải, nhãn, na dai, mơ, mận huyện chỉ đạo phát triển ở các xã dọc quốc lộ 3 như Cẩm Giàng, Tân Tiến, Phương Linh, Quân Bình…
Ngoài vùng cây lương thực có hạt, vùng cây ăn quả, Bạch Thông còn có vùng cây công nghiệp ngắn ngày - thuốc lá, với diện tích khoảng 200ha. Trước đây, loại cây này chỉ được trồng ở các xã phía bắc huyện, như Sỹ Bình, Vũ Muôn, Cao Sơn, do thiếu nước ruộng chỉ cấy 1 vụ/năm rồi bỏ không. Khi giá trị kinh tế dần được khẳng định, diện tích cây thuốc lá được mở rộng ra các xã gần trung tâm huyện như Tú Trĩ, Tân Tiến, Nguyên Phúc Loại cây này thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng nên phát triển tốt. Theo tính toán của bà con nông dân, cứ trồng 1.000m2 cây thuốc lá, chăm sóc đúng kỹ thuật cho năng suất khoảng 2 tạ, giá bán trung bình từ 45 đến 48 ngàn đồng/kg, thu được khoảng 10 triệu đồng. Vụ thuốc lá năm 2012, toàn huyện trồng được 167ha, năng suất 20 tạ/ha, sản lương 335 tấn, thu về gần 14 tỷ đồng. Một nguồn thu không nhỏ đối với huyện nghèo, quan trong hơn mở ra hướng phát triển kinh tế ổn định cho nông dân. với mô hình thuốc lá + lúa mùa để tăng thu nhập.
Nhiều năm qua, Hội Nông dân huyện Bạch Thông có tỷ lệ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đứng đầu tỉnh Bắc Kạn. Ngoài việc phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội là thành viên tích cực nhận ủy thác từ NHCSXH. Đến nay, hội quản lý 78 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 51 tỷ đồng, với trên 3.200 hội viên vay vốn. Hội Phụ nữ, đóng góp vai trò là cầu nối, tạo cơ hội cho hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình theo chương trình, dự án của huyện, phối hợp với NHCSXH nhận ủy thác cho hội viên vay vốn. Hiện nay, hội có 72 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ 60 tỷ đồng, trên 3 nghìn hộ vay. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH nhiều nông dân ở Bạch Thông không những xóa được nghèo mà còn vươn lên làm giàu, với mức thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, như ông Cao Xuân Lăng, Nông Thị Xoan, Lộc Văn Ninh trồng cam, quýt ở xã Quang Thuận; Hà Văn Mạn chăn nuôi tổng hợp ở xã Quân Bình…
Phát huy được thế mạnh về nông nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư của Nhà nước, vốn vay của NHCSXH, kinh tế huyện Bạch Thông đã có những bước chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17%. “Xây dựng Bạch Thông thành vùng kinh tế động lực của tỉnh Bắc Kạn”, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trong huyện đang biến mục tiêu trở thành hiện thực trong những năm tới.
Bài và ảnh Hồ Khánh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Trang trại bò của ông Đinh Vom có 22 con
- » Hướng Hóa phát triển cây cao su
- » Trong vị ngọt cây vải...
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Chung tay xây mái ấm cho người nghèo
- » Bền chí làm giàu
- » Tăng cường đầu tư vùng tứ giác Long Xuyên
- » Nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã phát huy hiệu quả
- » Nhiều hộ dân ở Thanh Sơn: Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
- » Nấm Phú Lương vươn xa