Niềm vui đổi đời

09/07/2013
(VBSP News) Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã tập trung nguồn vốn vay thực hiện các chương trình tín dụng ở 3 huyện nghèo: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Nhờ vậy, sau hơn 4 năm, nhiều hộ nghèo đã được vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Được vay vốn, bà con bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) phát triển nghề đan lát truyền thống

Được vay vốn, bà con bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) phát triển nghề đan lát truyền thống

“Cần câu” cho người nghèo

Gia đình ông Vi Văn Dũng ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn là một điển hình trong việc sử dụng vốn vay giảm nghèo hiệu quả. Gia đình ông Dũng có 6 nhân khẩu, 4 lao động, cũng như nhiều gia đình khác ở xã Tà Cạ, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu phát nương làm rẫy, hàng năm thiếu đói vì cuộc sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt không có vốn đầu tư cho sản xuất. Năm 2003, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, gia đình được bình xét vay 15 triệu đồng vốn hộ nghèo. Tính toán, cân nhắc mãi, vợ chồng ông quyết định mua 4 con bò để chăn nuôi sinh sản và lấy phân bón ruộng. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn gia đình làm chuồng nuôi nhốt và tận dụng đất đồi để trồng cỏ, 1 năm sau đàn bò sinh sản thành 6 con. Năm 2009, xét thấy quá trình sử dụng vốn đã vay có hiệu quả cộng với việc chấp hành tốt hợp đồng tín dụng, NHCSXH tiếp tục cho gia đình ông vay 20 triệu đồng đầu tư nuôi gà và lợn đen.

Được sự động viên giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 100 con gà, 6 con lợn thịt và 1 con lợn sinh sản. Bằng sự quyết tâm học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học vào chăn nuôi, đến nay từ 4 con bò ban đầu đã tăng lên thành đàn bò 16 con; trong chuồng luôn có hơn 200 con gà và 10 đến 15 con lợn, 2 sào rau xanh. Chưa tính nguồn thu từ bò hàng năm, gia đình có thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng. Ông Vi Văn Dũng với vẻ mặt rạng ngời nói: “Dù chưa thật khá giả nhưng gia đình tôi đã làm được nhà kiên cố, mua sắm được những vật dụng cơ bản và có một khoản tích lũy nhỏ để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Có được như hôm nay là sự cố gắng của cả gia đình, nhưng chúng tôi luôn luôn biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước đã tạo ra một cơ chế tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách, đặc biệt là đối với bà con vùng sâu, vùng xa như chúng tôi”.

Ở huyện nghèo Quế Phong, gia đình chị Lữ Thị Liên ở bản Đỗ, xã Châu Kim được NHCSXH huyện Quế Phong cho vay 5 triệu đồng vốn vay dành cho hộ nghèo với ưu đãi về lãi suất của vùng 30a. “Vay được vốn là tôi mua 4 con lợn nái sinh sản về chăn nuôi. Đàn lợn phát triển tốt, hàng năm bán lợn giống cũng có đồng ra đồng vào. Gần đây, gia đình bán lợn giống chuyển qua nuôi lợn thịt. Với 4 con lợn thịt, 3 tháng xuất chuồng một lần, lợi nhuận chưa phải là nhiều nhưng gia đình cũng đã có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống”. Tiền tích cóp từ bán lợn và vay mượn thêm NHCSXH 8 triệu đồng, gia đình chị Liên đã mua thêm được trâu vừa làm sức kéo, vừa sinh sản. Nhờ đó, ngôi nhà tranh tre trước đây đã được thay thế bằng ngôi nhà gỗ, dù chưa phải là khang trang nhưng cũng đủ che chở cho 4 nhân khẩu trong gia đình chị ấm áp trước sự khắc nghiệt của thời tiết vùng biên.

Góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững

Trong 10 năm qua, chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH tỉnh Nghệ An tăng trưởng nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đặc biệt dư nợ cho vay hộ nghèo tại 3 huyện nghèo (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) từ 2009 - 2012 đạt 107,8 tỷ đồng với 21.576 hộ được hỗ trợ. Đánh giá về chương trình cho vay vốn dành cho hộ nghèo ở các huyện 30a, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Quế Phong cho biết: Hiện nay, đối với các huyện 30a, nguồn vốn vay của NHCSXH luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu của nhân dân. Nhìn chung, vốn vay từ NHCSXH góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững. Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quế Phong chỉ còn hơn 44%.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, chương trình tín dụng ưu đãi cho vay đối với người nghèo đã tạo ra biến chuyển rõ rệt trong công tác giảm nghèo ở địa phương này. Toàn huyện có 3.813 hộ nghèo được vay vốn thoát nghèo; các hộ vay đã đầu tư mua hơn 40 nghìn con trâu, bò, tạo ra hơn 40 nghìn việc làm cho nhân dân lao động; số lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài 519 người… Đánh giá về hiệu quả vốn vay của NHCSXH đối với địa phương, ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nguồn vốn của NHCSXH thực sự là đòn bẩy hỗ trợ nhân dân trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo ra nhiều của cải vật chất hàng hoá, đảm bảo ổn định xã hội, an ninh trật tự ngày càng được củng cố, hạn chế các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm khoảng 3% mỗi năm…”.

Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao trong việc triển khai thành công các chương trình tín dụng ưu đãi, Đặc biệt tại các huyện đặc biệt khó khăn thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ thông qua các chương trình cho vay, NHCSXH tỉnh thực sự góp phần đắc lực, là “bà đỡ” về nguồn vốn cho các địa phương thực hiện mục tiêu xoá nghèo nhanh, bền vững.

Bài và ảnh Minh Thư - Thành Duy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác