Vai trò của Điểm giao dịch
Theo thống kê, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 137 Điểm giao dịch cố định tại 137 xã, phường, thị trấn với 2.499 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, xóm trong tỉnh. Các Điểm giao dịch của ngân hàng đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển tải chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch, ngân hàng đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cũng như trách nhiệm của hội viên các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trước hết là ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tín dụng trong việc chấp hành thời gian giao dịch, nội quy giao dịch, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay. Tại Điểm giao dịch, những thông tin mới về chính sách vốn, thay đổi về hộ vay… được niêm yết công khai và kịp thời. Hàng tháng, NHCSXH các huyện đều cử cán bộ tín dụng đến từng Điểm giao dịch để tiếp nhận ý kiến, đơn thư của nhân dân và các hội, đoàn thể được uỷ thác từng phần tham gia cho vay vốn. Đây cũng là dịp cán bộ ngân hàng giải thích, hướng dẫn những vấn đề người dân chưa hiểu về chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ; qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của các chương trình cho vay vốn ưu đãi, tham gia giám sát, giúp hạn chế tối đa những sai sót, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Chúng tôi đến xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch vào đúng ngày cán bộ NHCSXH huyện đang giao dịch nên người dân đến nhận tiền vay, trả nợ, trả lãi rất đông. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thanh phấn khởi cho biết: “Điểm giao dịch NHCSXH ở Đồng Ích hoạt động rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ xã đều tổ chức họp để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm và cùng đưa ra những giải pháp thực hiện các chương trình vốn vay phù hợp. Từ những hoạt động như vậy, Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho ban giảm nghèo xã, các tổ chức nhận ủy thác và NHCSXH được thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể như: Lồng ghép tuyên truyền về các dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả… để hỗ trợ các đối tượng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xã sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Điểm giao dịch ngân hàng phục vụ nhân dân tốt nhất”.
Vừa nhận vốn vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, anh Phạm Ngọc Tuấn, thôn Hoàng Chung vui vẻ nói: “Bao năm nay gia đình tôi dùng nước giếng khoan. Tuy đã lọc qua bể cát nhưng nước vẫn có màu vàng ố, khi đun nước có cặn và mùi lạ rất khó uống. Vợ chồng tôi dự định xây bể nước mưa để dùng quanh năm nhưng tích cóp mãi vẫn chưa đủ tiền. Chưa biết xoay xở thế nào thì được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ngay ngày mai, tôi sẽ khởi công xây công trình nước sạch mà mình đã ấp ủ bấy lâu”.
Lâu nay, Điểm giao dịch NHCSXH tại xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều hộ dân. Bởi nhờ đó, họ đã có cuộc sống mới, nhiều học sinh trong xã được tiếp tục đến trường… Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Đồng Cà chính là một minh chứng. Đã có thời điểm, gia đình chị bị xếp là một trong những hộ nghèo nhất xã. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào để thoát nghèo, chị được cán bộ Hội Phụ nữ xã giới thiệu và chỉ cách đến Điểm giao dịch xã làm thủ tục vay vốn tín dụng ưu đãi người nghèo. Từ nguồn vốn ban đầu ấy, anh chị đầu tư mở rộng diện tích trồng rau màu ngắn ngày, chạy chợ buôn bán lần hồi lấy công làm lãi, tích cóp thêm vốn rồi nhận thầu đầm cá, lập trang trại nuôi lợn, nuôi vịt. Bằng sức lao động chịu thương, chịu khó, vợ chồng chị đã làm nên điều kỳ diệu, xây dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế. Chị bộc bạch: “Cuộc sống khá giả như hôm nay của gia đình tôi đều bắt đầu từ số vốn vay theo chương trình ưu đãi cho hộ nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng, chẳng biết đến bao giờ nhà tôi mới thoát khỏi danh sách hộ nghèo”.
Gia đình chị Minh chỉ là một trong số hàng nghìn hộ nghèo, gia đình chính sách của huyện Tam Đảo được tiếp cận vốn vay NHCSXH từ những Điểm giao dịch xã. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, các Điểm giao dịch xã sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tránh tình trạng cho vay không đúng đối tượng thuộc diện thụ hưởng, sai mục đích.
Thời gian tới, ngoài việc đầu tư có hiệu quả vào các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và các Điểm giao dịch cố định tại các xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực hiện công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân.
Bài và ảnh Hoài Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nước sạch về vùng lũ
- » Người dân Phú Lương cần "cần câu" hơn "con cá"
- » Thoát nghèo từ đồng vốn vay
- » Uỷ viên HĐQT NHCSXH, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy kiểm tra, giám sát tại NHCSXH tỉnh Bắc Kạn
- » Đại tâm đã chuyển mình...
- » Hạ Long giảm nghèo bền vững
- » Mở hướng để thoát nghèo
- » Xuân Phú thực sự thoát nghèo
- » Đẩy mạnh chương trình tín dụng hộ cận nghèo
- » Giúp các hộ nghèo có thêm nguồn vốn đầu tư