Trực tiếp đưa đồng vốn đến với người dân

18/03/2013
(VBSP) Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, những năm qua, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa không ngừng mở rộng Điểm giao dịch xuống tận các xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, đã phát huy tốt vai trò là một ngân hàng di động, thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, thu nợ, thu lãi đúng hạn. Mùa xuân này, đến các Điểm giao dịch của NHCSXH tỉnh, đâu đâu cũng thấy những nụ cười trên khuôn mặt của người dân...
600ad

Điểm giao dịch xã - nơi bà con dân nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi

Tạo nhiều thuận lợi 

8 giờ sáng, tại Điểm giao dịch xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và hàng trăm người dân đã tập trung, ổn định trật tự tại hội trường UBND xã. Đây là buổi giao dịch định kỳ hàng tháng của NHCSXH tỉnh Khánh Hòa thực hiện giải ngân chương trình tín dụng ưu đãi và thu nợ, thu lãi đối với những món vay đến hạn. Gương mặt đầy phấn khởi, chị Nguyễn Thị Nhật Nam, ở thôn Xuân Phong, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang chia sẻ: “Thông qua tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, gia đình tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay của NHCSXH. Nhờ được vay 20 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi, phát triển vườn đồi, cần mẫn làm ăn, đến nay gia đình tôi đã thoát được nghèo”. Nói về Điểm giao dịch của NHCSXH tại địa phương, chị Nam cho biết thêm: “Nhà cách trung tâm thành phố gần chục cây số, nếu làm thủ tục vay vốn của các ngân hàng khác thì phải đi lên tận nơi, rồi khi giải ngân, trả gốc, trả lãi thì đi lại rất bất tiện. Nay được vay vốn ưu đãi của NHCSXH tại Điểm giao dịch UBND xã, thủ tục vừa đơn giản lại thuận tiện, không phải đi xa khiến tôi và nhiều bà con rất phấn khởi. Đặc biệt, tại Điểm giao dịch lưu động của NHCSXH, chúng tôi dễ dàng tìm hiểu các thông tin về chế độ, lãi suất, thủ tục vay vốn… vì tất cả thủ tục này đều được công khai ngay tại bảng thông báo tại Điểm giao dịch xã. Mặt khác, thông qua các buổi giao dịch lưu động trong quá trình làm thủ tục vay vốn khi có vướng mắc chúng tôi đều được cán bộ ngân hàng hướng dẫn tận tình, chu đáo”. 

Ông Huỳnh Tấn Thành - Bí thư Đảng ủy xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nói: “Nếu trước đây, muốn vay vốn, người dân các huyện, xã ở Khánh Hòa phải lên tận ngân hàng để làm thủ tục, nhiều người ở xa đi lại rất mất thời gian, lại không hiểu rõ thủ tục vay vốn nên gây ra tâm lý ngại ngần. Thế nhưng, từ ngày NHCSXH triển khai mở các Điểm giao dịch ngay tại xã đã góp phần không nhỏ trong việc kịp thời đưa nguồn vốn đến gần người dân, giúp họ đầu tư phát triển kinh tế gia đình”. Tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn đều có thời gian làm việc cụ thể được báo trước, giúp người dân tại địa phương chủ động sắp xếp thời gian làm việc với ngân hàng. Đến ngày trả lãi, giải ngân, bà con chỉ cần đến làm việc tại các Điểm giao dịch nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng. Buổi giao dịch giống như một buổi họp giao ban. Tại đây, cán bộ ngân hàng phổ biến những chủ trương, chính sách mới và những vấn đề liên quan tới khách hàng, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phản ánh ý kiến của người dân tại địa phương đến ngân hàng. Nhờ vậy, người dân càng thêm tin yêu và gắn bó với NHCSXH. 

Theo bà Trương Thị Thanh Tùng - Trưởng Phòng kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Khánh Hòa, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đến nay đạt hơn 1.350 tỷ đồng. Để đồng vốn đến sớm với người dân và đúng đối tượng cần vay, NHCSXH tỉnh đã thành lập 2.652 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết tương trợ và giúp đỡ nhau. Nhờ đó đã giúp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách có vốn làm ăn, cải thiện đời sống; giúp cho hàng nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh được vay vốn học tập. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao dịch, đến nay NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã thành lập được hơn 135 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng tháng, ngân hàng tiến hành giao dịch lưu động đến tận các xã, thôn, bản và thực hiện giao dịch vào những ngày cố định, không kể thứ bảy, chủ nhật để bà con dễ nhớ ngày giao dịch và không phải tốn chi phí đi lại. Với ý thức nâng cao trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của người nghèo. 

Không ngừng đưa vốn đến gần dân 

Khánh Hòa có 2 huyện miền núi, 1 huyện đảo và 5 huyện đồng bằng. Chính vì địa hình phức tạp nên việc đi lại giao dịch với NHCSXH của người dân cũng gặp không ít khó khăn. Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, NHCSXH tỉnh đã vượt qua những khó khăn để xây dựng các Điểm giao dịch xuống đến tận xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố nhằm đưa đồng vốn đến gần với người dân. Hoạt động này đã và đang tạo nhiều thuận lợi không nhỏ cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Xuân Ngùy - Giám đốc NHCSXH huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa (một huyện miền núi) cho biết, thời gian qua huyện đã có nhiều giải pháp có hiệu quả, tập trung nguồn lực, con người và những chính sách cụ thể của địa phương nhằm giảm nghèo và trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Về phía NHCSXH, chúng tôi đã không ngừng mở rộng các Điểm giao dịch tại các xã, nhằm tạo thuận lợi đi lại cho người dân. Đồng thời, thu hút được người dân đến và tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, chúng tôi đã xây dựng được 14 Điểm giao dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa. Hàng tháng, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền các chế độ chính sách, bình xét hộ vay chính xác. Tại các ngày giao dịch, cán bộ ngân hàng trực tiếp giải ngân, thu vốn, giải đáp những vướng mắc, khó khăn cho người dân. Sau các buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng và cán bộ tổ chức hội, đoàn thể cùng với Trưởng Ban giảm nghèo của xã sẽ tổ chức họp giao ban để giải quyết những vướng mắc, tồn tại, rút kinh nghiệm trong giải ngân, thu vốn, thu lãi, thông qua đó đưa ra các giải pháp thực hiện các chương trình phù hợp và hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, các Điểm giao dịch còn có vai trò quan trọng, đó là tạo điều kiện cho nhân dân và chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra giám sát đối với hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Với những lợi thế đó, trong thời gian tiếp theo chúng tôi sẽ không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đưa nguồn vốn đến gần dân, sát dân hơn nữa. Để NHCSXH thực sự trở thành một điểm tựa vững chắc về vốn vay cho người dân đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Có thể nói, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo cho người dân là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành. Nhưng với những gì mà NHCSXH tỉnh Khánh Hòa nỗ lực triển khai trong thời gian qua, đã và đang giúp người dân từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự hoạt động khá hiệu quả trong việc đưa nguồn vốn đến gần dân, sát dân đã tạo ra nhiều thuận lợi cho nhân dân. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ nhân dân, để đồng vốn đến những người nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo cho địa phương.

Nguyễn Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác