Xóa nghèo từ cao nguyên xa xôi

13/11/2013
(VBSP News) Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa nghèo và xây dựng Nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai đang được khơi thông bằng nhiều nguồn lực, nổi bật là sự hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ và truyền thống gần 11 năm đồng hành với người nghèo của NHCSXH tỉnh Gia Lai đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai ngày được khởi sắc.
Người dân huyện Kbang (Gia Lai) vay vốn ưu đãi nuôi bò đạt hiệu quả

Người dân huyện Kbang (Gia Lai) vay vốn ưu đãi nuôi bò đạt hiệu quả

Tính đến 31/10/2013, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Gia Lai thông qua các hội, đoàn thể đạt 2.544 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng so với đầu năm 2013, với 142.602 hộ dư nợ và 3.759 Tổ tiết kiệm và vay vốn, nợ quá hạn được kiểm soát tương đối tốt, chiếm tỷ lệ 0,85% tổng dự nợ và giảm 0,13% so với đầu năm 2013. Thông qua mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã đến tay đối tượng thụ hưởng, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa nghèo bền vững. 3.759 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc sự quản lý, điều phối của các hội, đoàn thể đã tạo điều kiện thuận lợi để chính sách tín dụng ưu đãi đến tận tay người vay vốn, cộng với sự lồng ghép kết hợp chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ tích cực cho bà con trong việc sử dụng vốn linh hoạt, hiệu quả, đúng mục đích nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

10 tháng qua, 4 hội, đoàn thể ở Gia Lai tiếp tục phối hợp với NHCSXH tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi tại các Điểm giao dịch và các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đặc biệt kiện toàn lại các tổ trung bình, yếu kém, nhằm thực hiện tốt 6 công đoạn uỷ thác, xử lý nợ quá hạn, nợ đến hạn, nâng tỷ lệ thu lãi đạt 90% trở lên.

Nhờ biết cách tận dụng lợi thế từ lao động, đất đai và sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH đã giúp cho đời sống của mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai khấm khá hơn.

Ông Đinh Êm, dân tộc Ba Na ở xã Đông, huyện Kbang thông qua nguồn vốn vay của NHCSXH đã cơ bản thoát nghèo. Năm 2011, gia đình ông vay 20 triệu đồng đầu tư nuôi 2 con bò sinh sản. Số tiền vay còn lại, ông mua giống mía tím cao sản, cải tạo lại đất đồi trồng được 2 sào mía. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, con bò và cây mía đã cho ông thu lãi 60 triệu đồng. Ông Đinh Êm phấn khởi cho biết: “Nhà đất rộng nhưng không có vốn liếng, không có cách thức làm ăn. Cây chỉ trồng 1 vụ thôi, thiếu ăn quanh năm. Nay được vay vốn ưu đãi và được hướng dẫn cách sản xuất mới, gia đình mình hết cơ cực rồi, lại trả nợ, nộp lãi đầy đủ cho ngân hàng rồi đó”.

Chị Ksonr H’ Lak, dân tộc Gia Rai ở xã Ia Đệt, huyện Ia Grai được Hội Phụ nữ đứng ra tín chấp vay tiền của NHCSXH phát triển kinh tế. Từ số tiền ưu đãi vay được, chị mua bò về nuôi, mua cây giống cà phê để trồng. Nhờ chịu khó tích cóp, học hỏi tham quan kinh nghiệm ở trong buôn làng, ngoài nông trường của huyện đến nay chị H’Lak đã có 500 gốc cà phê, 200 cây sầu riêng, 3 con bò lai sind, thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng. Chị tâm sự: “Nếu không có tiền vốn, cán bộ không đến tận nhà chỉ bảo cách làm ăn thì không biết bao giờ mới hết nghèo. Nay gia đình mình đã trả lại sổ hộ nghèo rồi”.

Anh Rơ Mah Than, làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai là một trong số thanh niên đầu tiên của làng vay 5 triệu đồng từ NHCSXH huyện xây chuồng nuôi heo và mua 10 con heo nhỏ về chăm sóc, lứa heo đầu tiên đã thắng lớn, anh bán được hơn 20 triệu đồng”. “Đất đai ở đây còn rộng, mình có sức, lại được nguồn vốn chính sách hỗ trợ, sá gì không làm đây”. Anh Rơ Mah nghĩ vậy và đã hành động đúng.

Những tấm gương người dân tộc vươn lên từ nghèo khó ở Gia Lai đã minh chứng rằng: Cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi, bài học thoát nghèo ở đây là phải dựa vào chính sự nỗ lực bản thân, không chùn bước, không ngại gian lao vất vả. Bên cạnh đó, mọi người cần phân tích, tìm cách sử dụng đồng vốn chính sách và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách thiết thực, hiệu quả.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác