Đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở Vĩnh Phúc thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi

18/11/2013
(VBSP News) Trong cái se lạnh của tiết trời đầu đông, tôi có dịp cùng Đoàn cán bộ Ban Dân tộc và NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc về huyện Sông Lô. Mục đích chuyến đi của Đoàn là kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (nay là Quyết định 54/2012/QĐ-TTg). Qua chuyến đi, thấy nhiều hộ dân tộc đặc biệt khó khăn ở huyện Sông Lô đã vươn lên thoát nghèo, chúng tôi cảm nhận sâu sắc về tính nhân văn của chương trình này. Nhờ nguồn vốn Chính phủ, nhiều hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn mới có cơ hội thay đổi cuộc sống.
Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn NHCSXH mua trâu về nuôi vỗ béo

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn NHCSXH mua trâu về nuôi vỗ béo

Cho đến bây giờ, anh Trần Văn Chiến ở thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô vẫn không tin mình đã có một ngôi nhà đúng nghĩa. Mặc dù, ngôi nhà chưa được quét vôi, còn thiếu một vài hạng mục, song quan trọng là nó rất vững chắc, đủ để chống chọi lại những cơn thịnh nộ của ông trời. Trước đây, khi gia đình anh Chiến vẫn còn ở trong núi, mỗi khi có mưa to, gió lớn, anh lại phấp phỏng lo lắng bởi căn nhà tuềnh toàng của mình. Nhờ vốn vay ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ phát triển sản xuất, gia đình anh đã có thêm động lực, từ đó dần vươn lên thoát nghèo. Anh Chiến tâm sự: Năm 2008, tôi được vay 5 triệu đồng với lãi suất 0%, thời hạn vay là 3 năm. Có vốn, tôi quyết định đầu tư thêm 2 triệu đồng để mua 1 con trâu trị giá 7 triệu đồng. Nuôi trâu được gần hai năm, tôi đem bán được 16 triệu đồng. Bên cạnh việc có 7 triệu đồng tích lũy, tôi đã mua thêm 1 con trâu trị giá 9 triệu đồng. Hiện nay, con trâu có giá trị khoảng 40 triệu đồng. Cùng với số tiền dành dụm được, sau khi bán trâu, anh Chiến đã có ngôi nhà nhỏ nằm ở giữa thôn Xóm Mới. Kể từ ngày chuyển ra nhà mới, đời sống vật chất, tinh thần của cả gia đình anh đã được cải thiện đáng kể.

Xã Quang Yên có hai dân tộc là Kinh và Cao Lan sinh sống. Cả xã có gần 2.000 khẩu là người dân tộc Cao Lan. Chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn ở huyện Sông Lô được thực hiện ở hai xã Quang Yên và Nhân Đạo.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, huyện Sông Lô đã tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng được thụ hưởng, yêu cầu các xã thực hiện nghiêm túc việc điều tra, đảm bảo công khai dân chủ, đúng trình tự, đúng đối tượng. Các thôn, bản đã tổ chức thực hiện việc bình xét; danh sách các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cần vay vốn được niêm yết tại nhà văn hóa thôn… UBND huyện Sông Lô đã chỉ đạo NHCSXH triển khai thực hiện cho vay vốn đối với những hộ trong danh sách được phê duyệt; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.

Mặc dù, mức vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ít (5 triệu đồng), song hiệu quả từ chương trình mang lại là rất cao và đáng được ghi nhận. Sau 3 năm triển khai chương trình, đã có 133 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở huyện Sông Lô được giải ngân với số tiền 665 triệu đồng. Đã có 74 hộ/133 hộ dân tộc vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ Trần Thị Thịnh ở thôn Xóm Mới; Hoàng Văn Cử, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên…

Hiện nay, Ban Dân tộc và NHCSXH đang tiếp tục xem xét, giải ngân vốn vay giai đoạn II cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Bà Trần Thị Quán ở thôn Xóm Mới, xã Quang Yên cho biết: Gia đình tôi là hộ dân tộc thiểu số nghèo. Năm 2011, tôi được vay 5 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất. Số tiền này tôi đã dùng để mua trâu về nuôi. Nếu như năm 2008, một con trâu chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng thì năm nay là 12 triệu đồng. Theo mức vay mới mỗi hộ được vay tối đa 8 triệu đồng, mặc dù đã tăng so với mức cũ là 3 triệu đồng nhưng so với giá cả thị trường thì vẫn không đủ để đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi.

Hiện nay, con trâu của bà Quán đã sinh một con nghé; ngoài ra, con trâu 12 triệu đồng của bà Quán năm nào giờ đã có giá trị trên 40 triệu đồng. Đây là tài sản vô cùng to lớn của những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đây cũng chính là hiệu quả mà chương trình mang lại.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế mức vay của chương trình còn thấp, thiết nghĩ việc đề xuất của các hộ và địa phương về việc nâng mức cho vay vốn là thỏa đáng. Song, việc nâng mức vay lên bao nhiêu lại là vấn đề cần quan tâm. Mức cho vay còn phải phụ thuộc và dựa trên các yếu tố: trình độ dân trí; năng lực sản xuất, chăn nuôi… Vì vậy, với các đối tượng cho vay này, nếu cho vay ở mức cao cũng không đáp ứng được yêu cầu chương trình, mục đích đề ra. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, đưa ra đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét lựa chọn một mức vay phù hợp nhất với tình hình thực tế và với đối tượng là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác