Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được Phú Thọ thực hiện hiệu quả

22/11/2013
(VBSP News) Nhờ biết tận dụng tối đa nguồn vốn giải quyết việc làm, giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thu hưởng nên trong hơn 11 năm qua, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã cho vay trên 23.000 lượt khách hàng là các tổ hợp sản xuất, hộ gia đình... vay số tiền 250 tỷ đồng, góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn và nâng tổng dư nợ đến 31/10/2013 đạt 2.740 tỷ đồng với 10 chương trình tín dụng ưu đãi.
Công nhân làm cho nhà anh Quyết ở xã Ấm Hạ (Hạ Hòa) đang vận hành máy bóc gỗ

Công nhân làm cho nhà anh Quyết ở xã Ấm Hạ (Hạ Hòa) đang vận hành máy bóc gỗ

Chúng tôi có dịp cùng cán bộ Hội Phụ nữ và Giám đốc NHCSXH huyện Hạ Hòa Dương Thị Loan đến thăm một số cơ sở sản xuất, hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm. Tại thị trấn Hạ Hòa, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa được vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi; mỗi năm gia đình bà nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 20 con và 200 con gà đẻ, bình quân mỗi ngày bán ra thị trường gần 200 quả trứng, trừ chi phí công chăm sóc, thức ăn, thuốc phòng bệnh… mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng. Bà Hòa chia sẻ: “Nhờ vay được vốn từ chương trình giải quyết việc làm nên gia đình tôi đầu tư chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng với số vốn vay 20 triệu đồng như hiện nay thì thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của hộ gia đình”.

Còn gia đình ông Đoàn Trọng Quyết ở xã Ấm Hạ cũng được vay 20 triệu để mua nguyên liệu cho cơ sở chế biến gỗ của gia đình. Ông Quyết cho biết: “Tuy nguồn vốn giải quyết việc làm ít ỏi nhưng cũng đã tham gia tiếp sức cho cơ sở chủ động sản xuất. Tôi mong muốn Nhà nước có cơ chế cho vay thêm để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn”.

Được biết, tính đến nay, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Hạ Hòa đạt hơn 5 tỷ đồng. Hầu hết số vốn vay được đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ đặc biệt là chế biến gỗ, một trong những thế mạnh của vùng đất trung du này.

Giống như ở huyện Hạ Hòa, nhiều vùng quê trên miền đất Tổ đã bằng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH giải quyết được việc làm cho người dân nghèo và làm mô hình kinh tế phát đạt. Đơn cử như ông Hà Thành Trung ở thôn Ngọc Đồng, xã Thục Luyện, huyện vùng cao Thanh Sơn đã vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm trong năm 2011 để mở rộng xưởng sản xuất, chế biến chè của gia đình. Do lãi suất ưu đãi nên xưởng chế biến chè của gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong thôn xóm với mức thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân TX. Phú Thọ, ông Lê Văn Thức ngụ ở khu 15 xã Hà Thạch đã vay thuận lợi 45 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH. Có vốn, ông quyết tâm thuê đất đồi hoang lập trang trại chăn nuôi lợn tới 1.600 con và trồng trọt để mỗi năm thu hoạch hơn 20 tấn măng Bát Độ. Năm 2013, ông Thức vừa được vinh danh là một trong 62 nông dân tiêu biểu của cả nước.

Nói về hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, lãnh đạo NHCSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới cho nhiều lao động, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa ở nông thôn. Lãi suất của NHCSXH cho vay ưu đãi và ổn định hơn các ngân hàng khác nên từ khi triển khai chương trình vay vốn giải quyết việc làm luôn nhận được sự hưởng ứng của mọi khách hàng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã và đang bộc lộ một số hạn chế như: Chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn, mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp. Do đó, Nhà nước nên có cơ chế cho vay với hạn mức cao hơn và người vay vốn không gặp phải những rào cản về thủ tục để có điều kiện thuận lợi vươn lên làm giàu và tạo được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác