Lâm Đồng phối hợp với các hội, đoàn thể xử lý nợ quá hạn

21/11/2013
(VBSP News) Hoạt động của tín dụng chính sách là cho vay tín chấp thông qua các hội, đoàn thể, để thu hồi nợ đúng hạn và xử lý tốt các món nợ quá hạn. Sự phối hợp từ NHCSXH và các hội, đoàn thể thời gian qua là rất chặt chẽ...
Các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra sử dụng vốn vay của các hộ dân

Các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng kiểm tra sử dụng vốn vay của các hộ dân

Tính đến cuối tháng 10/2013, nợ quá hạn tại NHCSXH tỉnh Lâm Đồng là gần 22,4 tỷ đồng, chiếm 1,14% trên tổng dư nợ (trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh là 1,7%). So với đầu năm thì con số này đã giảm trên 3,1 tỷ đồng.

Qua 11 năm hoạt động, việc ủy thác nguồn vốn cho vay của NHCSXH thông qua các tổ chức hội là: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên đã thiết lập được mạng lưới những Tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhịp nhàng. Cho vay không ràng buộc điều kiện về tài sản thế chấp, lãi suất áp dụng ưu đãi so với mặt bằng lãi suất thị trường, để nguồn vốn quay vòng kịp thời đến tay nhiều lượt hộ hơn thì công tác xử lý nợ quá hạn đã được các hội, đoàn thể tích cực thực hiện hiệu quả.

Đầu năm 2013, có 29 xã trong toàn tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 2%. Để góp phần giảm tỷ lệ này, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng - hiện là tổ chức nhận vốn ủy thác với dư nợ trên 720 tỷ đồng, quản lý 1.128 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đã đưa nội dung này vào công tác hoạt động. Theo ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong các cuộc họp, Ban chấp hành hội đã chỉ đạo quyết liệt đối với những địa phương có xã phát sinh nợ quá hạn cao, xác định cần tập trung giải quyết, là tiêu chí đánh giá hoạt động. Từ sự chỉ đạo ấy, các xã rốt ráo đốc thúc trả nợ cho ngân hàng, các thành viên cùng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để có điều kiện trả nợ đúng hạn. Đồng thời, tổ chức hội tại các địa phương cũng phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, rà soát kịp thời các hộ gia đình đang vay vốn nhưng bỏ trốn khỏi nơi cư trú để quản lý vốn chặt chẽ hơn. Thông qua đó, đến nay nợ quá hạn đã được giảm xuống gần 1,4 tỷ đồng so với đầu năm.

Hội CCB hiện có dư nợ ủy thác trên 246 tỷ đồng với 457 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho vay gần 12.000 lượt hộ. Từ ý nghĩa tích cực của nguồn vốn vay này, các cán bộ hội đã quản lý nguồn vốn với tinh thần trách nhiệm rất cao, tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, thực hiện đối chiếu với những hộ vay tại các địa phương. Ông Huỳnh Hát - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, công tác phân loại các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được thực hiện đều đặn với tỷ lệ 62,75% đạt loại tốt và 32,9% đạt loại khá. Tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ còn 0,69% trong tổng dư nợ. Bên cạnh việc đốc thúc thu nợ thì công tác huy động gửi tiền tiết kiệm cũng được quan tâm với tỷ lệ gần 75% thành viên vay vốn khi có điều kiện đều tự nguyện gửi tiết kiệm, bình quân số tiền gửi gần 500 nghìn đồng/người.

Nguồn vốn ủy thác đến với tổ chức Đoàn Thanh niên đã giúp nhiều lượt đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ nợ quá hạn trong tổng dư nợ lại tăng (dù chỉ là tỷ lệ nhỏ). Lý giải về điều này, anh Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng ban Thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn, công nhân đô thị cho biết do thời gian qua tiến hành Đại hội Đoàn các cấp, Ban chấp hành tại các cơ sở đoàn có nhiều thay đổi nên công tác nhân sự tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn đang trong quá trình củng cố, hoàn thiện để đáp ứng những yêu cầu trong hoạt động.

Từ 29 xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao trên 2%, với quyết tâm đẩy mạnh thu nợ, đến nay đã giảm xuống chỉ còn 8 xã trong tình trạng này. Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lâm Đồng thì chất lượng tín dụng của hệ thống đã được củng cố, xử lý nợ tồn đọng tốt để thực hiện 10 chương trình cho vay. Nhiệm vụ tập trung trong thời gian tới là cần kiểm tra theo chuyên đề các chương trình tín dụng ưu đãi, cùng với các địa phương rà soát bổ sung kịp thời số hộ nghèo và hộ cận nghèo cũng như nhu cầu xuất khẩu lao động để thực hiện tốt các nhiệm vụ mang tính cấp thiết hiện nay.

CTV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác