Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Sẽ thêm cơ chế giúp người nông dân thoát nghèo bền vững

20/11/2013
(VBSP News) Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, sáng ngày 20/11/2013, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thông tin thêm tới các đại biểu về các chính sách cho vay nuôi cá tra, ba sa; cho vay xuất khẩu cà phê và tái canh cây cà phê; cho vay đối với hộ nghèo…

Cung cấp đầy đủ vốn cho việc tạm trữ lúa gạo 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Rất cám ơn sự đóng góp toàn diện của ngành Ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân thời gian qua. Đầu tư từ tín dụng của hệ thống ngân hàng cho lĩnh vực tam nông đã rõ rồi, còn lại đầu tư từ ngân sách, từ đầu tư công hay của doanh nghiệp vào nông nghiệp cũng rất hệ trọng. Doanh nghiệp mà không vào nông dân, không vào nông nghiệp, nông thôn thì khó thực hiện được liên kết 3 nhà hay 4 nhà.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phối hợp với Ngân hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, trình ra Quốc hội những chính sách căn cơ hơn để chúng ta cùng lo việc này.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, tín dụng ngân hàng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) tăng trưởng rất nhanh. Trong vòng mấy năm qua, dư nợ tín dụng đối với khu vực này tăng gấp 2,2 lần và chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế. Điều đó cũng tương xứng với tỷ lệ đóng góp của ngành Nông nghiệp vào GDP của cả nước.

Trong thời gian qua, bằng nhiều chính sách khác nhau, hệ thống ngân hàng đã khuyến khích các TCTD tập trung vốn cho tam nông. Những con số nói trên đã thể hiện hướng đi đúng đắn của tín dụng ngân hàng đối với tam nông. “Qua ý kiến của các đại biểu và cử tri cả nước, nếu nhìn khái quát thì hoạt động sản xuất nông nghiệp đã chững lại và có phần giảm sút”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho rằng, chúng ta đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Trung ương Đảng cũng đang chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về tam nông, Chính phủ cũng đã có đề án về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã. Đó là tiền đề hết sức quan trọng để chúng ta tiến hành cải cách một cách sâu rộng ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Thông tin cụ thể về các chương trình cho vay lĩnh vực tam nông, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hệ thống ngân hàng đã cung cấp đầy đủ vốn cho việc tạm trữ lúa gạo trong thời gian vừa qua. Những sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp như nuôi cá tra, ba sa… trong thời gian vừa qua hệ thống ngân hàng cũng cung cấp lượng vốn tương đối lớn với tổng dư nợ cho lĩnh vực này khoảng 25 nghìn tỷ đồng. “Trước những khó khăn của người nuôi cá tra, ba sa và nuôi tôm, hệ thống ngân hàng cũng đã giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi… Với những nội dung vượt thẩm quyền của hệ thống ngân hàng, chúng tôi đã trình Chính phủ để phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết với mong muốn những hỗ trợ này giúp người nuôi, sản xuất cá tra, ba sa có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp

Với lĩnh vực sản xuất và tái canh cây cà phê, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, do giá cà phê giảm mạnh nên NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện cơ chế tạm trữ cà phê và hệ thống ngân hàng đã đáp ứng đủ vốn.

Về cho vay tái canh cây cà phê, mặc dù Chính phủ chưa có chủ trương chính thức, nhưng qua làm việc trực tiếp với các địa bàn Tây Nguyên, NHNN thấy việc tái canh cây cà phê là cần thiết. Vì nếu chúng ta không làm từ ngày hôm nay chỉ khoảng 3 - 5 năm nữa sản lượng cà phê không đảm bảo. “Do vậy, hệ thống ngân hàng đã dành gói tín dụng 12 nghìn tỷ đồng cho việc tái canh cây cà phê, trong đó riêng tỉnh Lâm đồng là 2 nghìn tỷ đồng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, để tái canh cây cà phê thì nguồn vốn chỉ là một yếu tố, bên cạnh đó vấn đề quy hoạch, chọn giống cây cà phê cũng rất quan trọng. NHNN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như chính quyền địa phương có phương án quy hoạch, giống cây tốt để tái canh cây cà phê được hiệu quả.

Đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, Thống đốc cũng thông tin thêm về lĩnh vực cho vay xóa đói, giảm nghèo, đối tượng chính sách. Theo Thống đốc đến nay, tổng dư nợ cho vay xóa đói, giảm nghèo của NHCSXH đạt 118 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng trưởng tín dụng cho vay đối với người nghèo từ 7 - 10%. Trong khi đó, nợ quá hạn của ngân hàng này là rất thấp, chỉ chưa đến 1% tổng dư nợ. 

Vừa rồi, NHNN đã trình và Chính phủ đã thông qua cơ chế cho vay hộ cận nghèo. Hiện NHNN đang trình Chính phủ thêm cơ chế giúp người nông dân thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Ngành Ngân hàng cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới sự chỉ đạo của Chỉnh phủ để có cơ chế tín dụng trong thời gian tới nhằm phục vụ cho liên kết các hộ nông dân trong mô hình hợp tác xã mới hay doanh nghiệp mới…

“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin tưởng với sự tích cực của bản thân hệ thống ngân hàng, cũng như sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp và đồng bào cả nước, lĩnh vực tam nông nhất định sẽ có bước chuyển biến thời gian tới” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng.

Quang Cảnh ghi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác