Giúp làng nghề qua “sóng cả”

13/11/2013
(VBSP News) Được NHCSXH tiếp vốn, nhiều chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống ở TP. Hà Nội đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất của suy thoái kinh tế.
Được vay vốn ưu đãi, cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ lưu niệm của gia đình anh Trần Việt Hùng tạo việc làm cho hơn 20 lao động

Được vay vốn ưu đãi, cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ lưu niệm của gia đình anh Trần Việt Hùng
tạo việc làm cho hơn 20 lao động

TP. Hà Nội sau khi mở rộng có tới 1.350 làng nghề - là địa phương cấp tỉnh, thành phố có số lượng làng nghề, phố nghề cao nhất cả nước, trong đó có gần 200 làng nghề truyền thống.

Vốn đến đúng thời điểm

Thời điểm này, cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ, gốm tâm linh của gia đình anh Trần Việt Hùng ở xã Bát Tràng đã hoạt động ổn định. “Tiếng là có nghề, nhưng tới năm 2010 tôi mới khởi nghiệp, làm gốm thương mại. Ngày đó, đúng thời điểm kinh tế khó khăn, vay vốn bên ngoài cực khó. May mà được xem xét vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi NHCSXH, nên tôi có ngày hôm nay…” - anh Hùng nhớ lại.

Với số vốn vay để anh Hùng mua máy nung tự động sử dụng khí gas thay cho mấy cái lò nung bằng than tổ ong. Lợi nhuận từ máy nung Đài Loan, anh đầu tư mua máy nung công nghệ hiện đại của Đức. Anh Hùng tâm sự “Vốn vay không chỉ giúp tôi mở mang nghề, tạo thêm việc làm mà còn hiện đại hóa quy trình nung gốm đúng theo quy định của Nhà nước…”.

Cùng vay 300 triệu đồng từ NHCSXH vào năm 2009, vợ chồng chị Vũ Thị Hoa ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng đầu tư mở rộng nhà xưởng. Ở làng nghề nổi tiếng này, vợ chồng chị Hoa có bí quyết riêng về làm các loại bình hoa, lục bình men lục. Chị Hoa kể, năm 2009, thời điểm khó khăn, có một khách hàng nước ngoài sau khi dạo một vòng quanh làng chỉ thích màu, chất gốm nhà chị. “Họ đặt hàng, nhưng nhà xưởng mình bé, thợ ít, vay vốn bên ngoài thì phải có thế chấp và đủ các loại hóa đơn giấy tờ. Vay được 300 triệu đồng của NHCSXH, tôi đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng đủ cho đơn hàng. Thành công rồi, vợ chồng tôi trả cả vốn cả lãi cho ngân hàng luôn. Thực ra, với 300 triệu đồng không lớn, những quý ở chỗ là vốn đến đúng thời điểm tôi cần”.

Vượt qua khó khăn

NHCSXH TP. Hà Nội đang cho vay 11 chương trình tín dụng với tổng dư nợ hiện đạt hơn 4.200 tỷ đồng; trong đó: cho vay giải quyết việc làm chiếm hơn 1.000 tỷ đồng với hơn 45.400 khách hàng…

Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ là một trong những làng nghề mây tre đan nổi tiếng của miền Bắc. Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 dẫn đến suy thoái kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Nhật, Tây Âu, Mỹ… nên làng nghề cũng lao đao. Đầu năm 2009, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mây tre đan ở làng Phú Vinh tiếp nhận được nguồn vốn kích cầu của Nhà nước. Mừng vui rồi cũng thoáng qua, các doanh nghiệp lần lượt rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” bởi đầu ra cho sản phẩm thu hẹp nhanh chóng do đơn hàng xuất khẩu giảm. “Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp nằm trong diện phải khoanh nợ. Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn “sống” được đến hôm nay là do trường vốn tự có hoặc tiếp cận được vốn ưu đãi từ NHCSXH…” - ông Vương Văn Cẩn - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho hay.

Bà Nguyễn Thị Vui - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn - khảm Ngọ Hạ, thôn Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên cho biết, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng tới sản lượng sản phẩm do bán hàng chậm. Hợp tác xã hiện vẫn duy từ việc làm, thu nhập tương đối ổn định cho vài chục lao động tại chỗ nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi…

Theo Thạc sỹ Nguyễn Kim Phung - Giám đốc NHCSXH TP. Hà Nội, tỷ lệ hộ nghèo ở thành phố thấp. Căn cứ vào đặc điểm này, thành phố bố trí cơ cấu vốn cho các chương trình tín dụng chính sách, trong đó: chú trọng tới chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Theo Báo NTNN

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác