Phát huy hiệu quả vốn giải quyết việc làm

27/11/2013
(VBSP News) Tính đến nay dư nợ cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đạt gần 5,5 tỷ đồng với 152 dự án. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2013, NHCSXH huyện đã thực hiện cho vay 72 dự án với tổng số tiền là trên 2,6 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động.
Nhờ được vay vốn, anh Nguyễn Hữu Ngạn (phải) đã trồng cây ăn quả cho thu nhập cao

Nhờ được vay vốn, anh Nguyễn Hữu Ngạn (phải) đã trồng cây ăn quả cho thu nhập cao

Có vốn mở trang trại

Nhìn những gì mà gia đình anh Nguyễn Hữu Ngạn ở thôn La Miệt, xã Yên Giả tạo lập được trong mô hình trang trại kinh tế tổng hợp VAC, khó hình dung được những khó khăn mà gia đình anh phải đối mặt những ngày đầu khởi nghiệp. Khi đó, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và không nắm được nhu cầu thị trường cũng như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, gia đình anh chật vật tìm cách gây dựng vườn chuồng. Năm 2011, anh được vay vốn NHCSXH huyện 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm, anh đã phát triển cơ sở vật chất trang trại, đầu tư xây dựng chuồng nuôi bò, lợn, vịt, gà, đào ao nuôi cá và trồng thêm cây ăn quả, cây cảnh. Bằng sự quyết tâm, chịu khó, năng động sáng tạo trong sản xuất, anh Ngạn đã vươn lên làm giàu từ mô hình VAC. Sau 3 năm triển khai xây dựng, từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay anh đã sở hữu một trang trại lớn với gần 20 con trâu, bò sinh sản, 300 con vịt, 200 con gà, cá trắm, mè, rô phi… Để tận dụng quỹ đất trống, anh còn trồng xen canh các loại cây ăn quả như: bưởi, cam, quất, xoài, ổi, chuối… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và giải quyết việc làm cho 6 - 7 lao động thường xuyên trong vùng có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Không có quy mô lớn như trang trại nhà anh Ngạn nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Tuần, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Quê Ô, xã Chi Lăng đã sử dụng có hiệu quả số vốn 10 triệu đồng theo diện hộ nghèo năm 2009. Làm ăn có lãi, gia đình sớm trả nợ gốc và đầu năm 2012, gia đình tiếp tục vay 20 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm. Khéo léo tính toán, chăm chỉ cần cù, giờ những đồng vốn nhỏ đã cho anh chị một sản nghiệp đáng kể, với 10 con bò, 200 con vịt và nhiều cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng, ngoài ra còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong vùng có thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy hơn nữa hiệu quả vốn vay

Tính đến nay, tổng dư nợ Chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Quế Võ đạt gần 5,5 tỷ đồng với 152 dự án. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2013, NHCSXH huyện đã thực hiện cho vay 72 dự án, với tổng số tiền là trên 2,6 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động.

Ông Nguyễn Xuân Thuận - Giám đốc NHCSXH huyện Quế Võ cho biết: “Nguồn vốn được đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng ít và phát triển làng nghề. Các mô hình không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống các hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn”. Từ các mô hình sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, đã xuất hiện rất nhiều gương điển hình về làm kinh tế giỏi, làm gương cho các hộ gia đình trong huyện.

Hiện nay, mức cho vay tối đa đối với một hộ gia đình là 20 triệu đồng; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại vay vốn tại NHCSXH huyện là 100 triệu đồng/dự án nhưng không quá 20 triệu đồng/lao động thu hút mới. “Trong thời gian tới gia đình muốn mở rộng thêm quy mô sản xuất, vì vậy rất cần thêm nguồn vốn vay. Tuy nhiên, mức cho vay hiện nay của chương trình quá thấp nên gia đình không có điều kiện mở rộng quy mô phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi mong muốn Nhà nước xem xét tăng thêm nguồn vốn, đồng thời nâng mức cho vay”, anh Tuần bày tỏ.

Bài và ảnh Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác