Bắc Kạn cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay hơn 400 tỷ đồng

27/11/2013
(VBSP News) Khác với nhiều đơn vị thuộc hệ thống NHCSXH hiện đang có dư nợ cho vay HSSV tăng lên, đứng ở hàng thứ 2 sau cho vay hộ nghèo trong các chương trình tín dụng ưu đãi, nhưng NHCSXH tỉnh Bắc Kạn lại có chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt gần 400 tỷ đồng, gần bằng dư nợ cho vay hộ nghèo là 465 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn vay này, hàng nghìn khách hàng có điều kiện phát triển trồng trọt chăn nuôi, ngành nghề, thay đổi tập quán canh tác.
Hướng thoát nghèo bền vững của người dân ở vùng khó khăn tỉnh Bắc Kạn là rõ nét

Hướng thoát nghèo bền vững của người dân ở vùng khó khăn tỉnh Bắc Kạn là rõ nét

Ông Nông Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã ví chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn như “chìa khóa” để người dân vùng cao Bắc Kạn mở cánh cửa vượt khó làm giàu. Còn ông Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Xuân Lễ cho biết thêm; “Cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là một trong những chương trình có tốc độ tăng trưởng và nhu cầu vay lớn nhất trên địa bàn Bắc Kạn. Năm 2012, kế hoạch vốn của đơn vị đối với chương trình này chỉ có 5 tỷ đồng, khi thấy nhu cầu vay tăng, chi nhánh đã xin cấp thêm 25 tỷ đồng và đã nhanh chóng giải ngân hết. Vào quý 3 năm nay, chúng tôi tiếp tục trình ngân hàng cấp trên đề nghị bổ sung 20 tỷ đồng nữa. Đây là bước tăng trưởng rất hiệu quả để NHCSXH tỉnh Bắc Kạn xây dựng kế hoạch vốn năm 2014 của chương trình lên con số 80 tỷ đồng”.

Tính đến hết ngày 31/10/2013, tổng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của tỉnh Bắc Kạn đã đạt gần 400 tỷ đồng, với 15.411 khách hàng còn dư nợ. Hầu hết 8 huyện thị đều đạt dư nợ từ 30 tỷ đồng trở lên, trong đó: huyện Chợ Đồn là 67 tỷ đồng, Na Rì hơn 52 tỷ đồng, 2 huyện nghèo nhất tỉnh nằm trong chương trình 30a của Chính phủ là Ba Bể, Pác Nặm cũng đạt từ 35 - 48 tỷ đồng. Là huyện có dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với NHCSXH cao nhất (67 tỷ đồng), Chợ Đồn đã và đang có nhiều chính sách ưu tiên, đồng hành cùng người dân trong việc giảm nghèo, phát triển kinh tế. Một trong những mô hình làm giàu từ vốn vay chương trình tín dụng ưu đãi này là trang trại kinh tế tổng hợp của anh Hoàng Văn Chỉnh, thôn Khuổi Gia, xã Rã Bản, bao gồm 2 ao nuôi cá diện tích hơn 4.000m2, khu đồi gần 2ha trồng cam quýt có quây lưới thép B40 để kết hợp lập khu chăn nuôi lợn lai rừng, gà đồi. Anh Chỉnh cho biết “Tôi cũng xoay đủ nghề, đủ cách rồi nhưng xét ra không đâu bằng làm kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình. Nghĩ là làm, thông qua sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên tôi vay 20 triệu đồng chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và 100 triệu đồng chương trình cho vay thương nhận hoạt động thương mại tại vùng khó khăn của NHCSXH huyện Chợ Đồn để xây dựng trang trại VAC liên hoàn này”.

Nhờ được nguồn vốn ưu đãi của chương trình tiếp sức cùng với đức tính siêng năng lao động, trang trại của anh Chỉnh đã cho thu nhập khá cao, lãi ròng hàng năm trên 50 triệu đồng.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Đồn Nguyễn Thành Trung, sau 6 năm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã triển khai đến khắp 22 xã, thị trấn với gần 3.000 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Hàng trăm mô hình đã xuất hiện và được đánh giá có hiệu quả kinh tế bền vững. Tính riêng Huyện đoàn Chợ Đồn, 1 trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác vay vốn NHCSXH đạt gần 8 tỷ đồng với 322 hộ thanh niên vay vốn. Có những hộ là điển hình về sử dụng vốn vay của chương trình, đạt thu nhập cao trong phát triển mô hình VAC hay làm kinh tế vườn rừng như hộ Lương Thị Hâu, Triệu Thị Lê ở xã Bằng Lãng. Các mô hình của đoàn viên thanh niên các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì… đều cố gắng phát huy lợi thế xây dựng trang trại quy mô vừa và nhỏ đạt thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên. Giá trị kinh tế của các mô hình sản xuất được nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ càng ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, lượng vốn của chương trình này so với nhu cầu người vay còn hạn chế, do vậy rất cần cấp có thẩm quyền xem xét tăng thêm nguồn vốn và nâng hạn mức vay tối đa lên đến 50 triệu đồng/hộ, để vốn vay ưu đãi càng được phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình thuộc vùng khó khăn.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác