90.000 lao động ở Ninh Bình có việc làm ổn định từ vốn vay GQVL

05/12/2013
(VBSP News) Sau 11 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp cùng các đơn vị nhận ủy thác đưa hơn 2.730 tỷ đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến với hơn 294.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách, trong đó Chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) đã giúp hàng chục nghìn lao động có thêm việc làm, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương.
Nguồn vốn giải quyết cho nhiều lao động nông thôn trong vùng của Ninh Bình

Nguồn vốn giải quyết cho nhiều lao động nông thôn trong vùng của Ninh Bình

Với gần 80% dân số sống ở nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao ở mức 12,4% vào năm 2012… vì thế vấn đề việc làm và nâng cao đời sống cho người dân nhất là đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách luôn được các cấp, ngành của tỉnh Ninh Bình quan tâm, trong đó có công sức không nhỏ của NHCSXH tỉnh. Cùng với chính quyền các cấp, NHCSXH tỉnh đã triển khai các chương trình cho vay ưu đãi tại 146 Điểm giao dịch xã/phường/thị trấn. Việc mang đồng vốn đến tận Điểm giao dịch đã không những giảm thiểu chi phí cho bà con mà còn giúp cán bộ ngân hàng có điều kiện cùng các hội nhận ủy thác kiểm soát tốt hơn việc sử dụng vốn vay.

Trong 9 chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh Ninh Bình thực hiện trong những năm qua, thì Chương trình cho vay GQVL đã có kết quả khá ấn tượng, với doanh số cho vay đạt hơn 190 tỷ đồng với khoảng 13.000 lượt hộ được vay. Qua đó, có hơn 90.000 lao động được hưởng lợi từ chương trình, hàng ngàn mô hình từ hộ gia đình đến những trang trại, xưởng sản xuất tập trung đã thực sự chuyển mình từ nguồn vốn ưu đãi này.

Điển hình như ở huyện Kim Sơn - một huyện ven biển có thế mạnh trong phát triển nuôi, trồng thủy sản, với hàng trăm ha bãi ngang và những cánh đồng có thể trồng màu, cấy  lúa quanh năm… nên vốn luôn là vấn đề trăn trở đối với các hộ sản xuất, kinh doanh nơi đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Phạm Văn Hưng cho biết, nguồn vốn ưu đãi đối với các hộ sản xuất kinh doanh tuy không lớn nhưng với lãi suất thấp và thủ tục vay đơn giản đã tạo điều kiện cho những gia đình và cơ sở sản xuất tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất một cách nhanh chóng. Ông Hưng cũng cho biết, Chương trình cho vay GQVL trên địa bàn được sử dụng hiệu quả, thu hút được nhiều thành phần lao động. Nếu nguồn vốn này mở rộng, sẽ tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đến thăm cơ sở may xuất khẩu của anh Phạm Xuân Đạo ở xóm 1, xã Tân Thành, Kim Sơn, nhìn cơ sở khang trang với hằng trăm công nhân đang miệt mài làm việc, ít ai nghĩ anh Đạo chỉ khởi nghiệp bằng 20 triệu đồng tiền vốn. Với sự sáng tạo, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, chỉ sau một thời gian ngắn, kinh doanh thuận lợi, anh đã trả hết vốn, lãi cho ngân hàng đúng kỳ hạn và được đánh giá là hộ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nên năm 2012 anh được vay 100 triệu đồng (dành cho cơ sở sản xuất). Nhờ được vay với lãi suất ưu đãi, lại không phải thế chấp, đã tạo điều kiện cho anh mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm một số máy chuyên dụng, phát triển sản xuất.

Đến với xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, một xã nằm sâu trong núi. Là xã thuộc thị xã nhưng phải đi khoảng 20 phút ô tô mới vào đến những mô hình vay vốn, nơi mà có lác đác những gia đình canh tác, cải tạo những khu rừng, thung lũng nhỏ thành rừng trồng và chăn nuôi quy mô lớn. Điển hình như mô hình đầu tư chăn nuôi, trồng rừng của nhà anh Trịnh Văn Đàm có diện tích hơn 3ha nằm gọn trong một thung lũng. Năm 2012, anh được vay ưu đãi 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay GQVL. Cùng với vốn của gia đình và vay mượn anh em, anh Đàm đã đầu tư nuôi dê sinh sản và hươu con. Nhờ chăm sóc tốt, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có nên hầu như không phải mua thức ăn, chỉ mất công trông coi, hiện đàn dê có 180 con các loại và 16 con hươu đang phát triển tốt. Nhìn khu rừng xanh tốt và những đàn dê, hươu hàng trăm con chúng tôi thật sự khâm phục sự chịu khó, dám nghĩ dám làm của những người dân đất Cố đô…

Với doanh số cho vay hơn 18 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động đã phần nào nói lên hiệu quả của Chương trình cho vay GQVL ở thị xã Tam Điệp. Những mô hình làm kinh tế điển hình như: dự án của gia đình ông Trịnh Văn Tiến, ở phường Tân Bình, vay 100 triệu đồng đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi con đặc sản đã tạo việc làm ổn định cho số lao động trong gia đình và thu hút thêm 5 đến 7 lao động trong khu vực; dự án sản xuất, kinh doanh đồ mộc dân dụng của ông Trần Minh Đức, phường Tây Sơn vay 100 triệu đồng mở rộng sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho 5 lao động; dự án chăn nuôi lợn đặc sản và trồng đào phai của gia đình ông Trần Văn Công ở xã Đông Sơn vay 100 triệu đồng đã thu hút thêm 5 lao động… Các dự án đã cơ bản sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bức thiết để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tạo lực cho phát triển kinh tế ở địa phương.

Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác