Việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer
Với phương châm đầu tư kết cấu hạ tầng là đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Cờ Đỏ đã có nhiều nỗ lực triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer. Cụ thể là, huyện đã triển khai xây dựng khu dân cư tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer với diện tích 2,37ha, kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành phần san lấp mặt bằng và đang thi công. Đào tạo nghề và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 52 lao động, hỗ trợ vốn cho 289 hộ, mua 341 máy bơm nước, máy phun thuốc với tổng kinh phí trên 3,9 tỷ đồng. Ở huyện Cờ Đỏ hiệu quả của chương trình 135 thể hiện rõ nhất ở xã Thới Đông. Từ nguồn vốn của chương trình, TP. Cần Thơ đã đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ đồng bào Khmer, như: đường giao thông, cầu cống, trạm y tế, chợ, trạm cấp nước, thủy lợi, lưới điện hạ thế, trụ sở UBND xã, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.
Theo bà Hoàng Kim Cương - Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, để định hướng cho công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả cao, đầu năm 2013 huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tình hình thực tế của địa phương. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề, thông tin dự báo về cung cầu lao động trên thị trường, điều kiện thu nhập và thời gian làm việc của người lao động, Phòng LĐTB-XH phân loại đối tượng lao động để xác định ngành nghề đào tạo. Đến nay, huyện đã mở được 26 lớp sơ cấp nghề với 829 học viên, trong đó có 18 lớp đã bế giảng với 588 học viên. Đã có 451 học viên có việc làm, đạt tỷ lệ 75,92%. Các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn ở huyện vùng sâu Cờ Đỏ, gồm: sản xuất lúa giống, trồng hoa cảnh, kết cườm, làm tóc, may gia dụng, thợ nề, đan lát, điện dân dụng, sữa chữa điện thoại, chữa xe gắn máy… thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có điều kiện đứng ra hành nghề, phát triển sản xuất, NHCSXH huyện Cờ Đỏ đã tạo điều kiện cho vay vốn với dư nợ 4,3 tỷ đồng.
Cũng đầu năm 2013, huyện Cờ Đỏ đã đăng ký thực hiện thí điểm 2 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, trong đó: chú ý tới việc chọn nghề phù hợp với địa phương, làm thí điểm để nhân rộng ra các đơn vị khác. Một trong hai mô hình, đó là Tổ đan lát ở thị trấn Cờ Đỏ, tập trung đồng bào Khmer nghèo, vừa không có đất lại không có việc làm ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tổ có trên 60 học viên, trong đó: phụ nữ Khmer nghèo chiếm trên 80%. Tổ đã kết hợp với Hợp tác xã Kim Hưng nhận nguyên liệu, trả sản phẩm - theo hình thức gia công, không phải lo đầu vào lẫn đầu ra. Chị Sơn Thị Lang - Tổ trưởng cho biết: Tôi có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, mẫu mã các sản phẩm của tổ viên rồi giao cho Hợp tác xã. Được Hội Phụ nữ huyện giúp đỡ, được vay 20 triệu đồng trong chương trình cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH, sửa chữa kho nguyên liệu để nhận thêm hàng cho chị em làm. Từ khi thành lập đến nay mô hình không ngừng phát triển, thu nhập chị em được nâng cao, vừa lo được việc nhà lại có điều kiện kiếm thêm tiền lúc rảnh rỗi, với mức thu nhập bình quân mỗi chị em gần 1,8 triệu đồng/tháng.
Thêm cơ hội vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Cờ Đỏ. Cuối tháng 10/2013, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch số 82 của thành phố, thực hiện Quyết định số 54 ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2012 - 2015. Theo số liệu thống kê bước đầu của các ngành chức năng và địa phương, hai xã Thới Đông và Thới Xuân huyện Cờ Đỏ có ít nhất khoảng 150 hộ đồng bào dân tộc Khmer là đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi (1,2%/năm) theo Quyết định số 54. Ông Hồ Phước Tân - Phó Giám đốc NHCSXH TP. Cần Thơ, cho biết thêm: “Trên địa bàn 2 xã Thới Đông và Thới Xuân đã có 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác của NHCSXH. Đây là điều kiện thuận lợi để xét cho vay vốn và trợ giúp thực hiện các thủ tục vay đối với các hộ đồng bào dân tộc được thụ hưởng chính sách. Nhìn chung, các thủ tục vay vốn theo Quyết định số 54 đơn giản và hiện NHCSXH Trung ương đã ban hành văn bản hướng dẫn. Vấn đề cần làm ngay là phải thông tin kịp thời cho người dân biết và liên hệ với chính quyền, các Tổ tiết kiệm và vay vốn gần nhà để họ hướng dẫn làm hồ sơ”.
Bài và ảnh Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thống đốc NHNN làm việc tại tỉnh Quảng Bình
- » Thôn Ấp sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Người nghèo ở Đồng Việt với nguồn vốn vay ưu đãi
- » 16.000 phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi
- » Trà Vinh với việc cho vay HSSV
- » BẠC LIÊU: Củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn để phát huy hiệu quả đầu tư
- » Sóc Trăng những tháng cuối năm
- » Tín dụng ưu đãi góp phần xóa nghèo bền vững ở Bình Định
- » Đòn bẩy để giảm nghèo
- » Nguồn vốn vay ưu đãi được Cựu chiến binh sử dụng hiệu quả