Cà phê từ vườn nhà ra “WTO”

05/12/2013
(VBSP News) Từ nông trường quốc doanh, cà phê lan đến hộ và từng bước trở thành cây xóa nghèo, làm giàu cho hàng chục nghìn gia đình ở Ia Grai (Gia Lai) nhiều năm nay. Phần lớn diện tích khai thác trên 20 năm đã già cỗi, nên cần phải tái canh.
Giám đốc Ngọc giới thiệu với các cán bộ tín dụng vườn cà phê tái canh đã cho năng suất cao

Giám đốc Ngọc giới thiệu với các cán bộ tín dụng vườn cà phê tái canh đã cho năng suất cao

Tiếp tôi trong căn phòng ấm cúng là Phó giám đốc NHCSXH huyện Ia Grai (Gia Lai) - ông Huỳnh Xuân Trường. Ông nói ngay: “Giám đốc Phạm Thị Đường đang họp HĐND huyện về xóa nghèo của huyện mà ngân hàng đóng vai trò không nhỏ”.

Nói về tình hình xóa nghèo đói ở địa phương, ông Trường cho biết: Ia Grai là huyện biên giới với Campuchia có 22.185 hộ, hơn 86 nghìn nhân khẩu. Đến 2012, tính theo tiêu chí mới, số hộ nghèo ở Ia Grai chiếm tỷ lệ 20,65% so với tổng số hộ toàn huyện. Nếu tính thời điểm 2010, thì tỷ lệ trên là 30,12%.

Năm 2013, mặc dù huyện chỉ nêu mục tiêu giảm khoảng 5% hộ nghèo, nhưng vẫn là một nhiệm vụ khó khăn của huyện, trong đó có trách nhiệm không nhỏ của các ngân hàng trên địa bàn, nhất là NHCSXH.

Căn cứ vào tình hình kinh tế ở địa phương, NHCSXH huyện Ia Grai xác định tập trung nguồn vốn rất có hạn của mình cho vay tái canh cây cà phê và chăn nuôi bò lấy thịt. Vì đây là 2 đối tượng hàng hóa chủ lực của kinh tế hộ dân Ia Grai. Tính đến hết tháng 11/2013, doanh số cho vay đạt 36,258 tỷ đồng, tổng dư nợ là 170,445 tỷ đồng, trong đó trên 80% là cho vay đầu tư vào cà phê. Riêng cho vay hộ nghèo là 72 tỷ đồng, chiếm 42,32% tổng dư nợ.

Hơn 20 năm qua, cây cà phê đã bén đất Ia Grai và trở thành thế mạnh kinh tế của huyện, trước tiên là các Nông trường quốc doanh, nay là những Công ty trách TNHH một thành viên. Từ Nông trường quốc doanh, cà phê lan đến hộ và từng bước trở thành cây xóa nghèo, làm giàu cho hàng chục nghìn gia đình, cả người Kinh và đồng bào dân tộc Jrai ở đây nhiều năm nay.

Nhưng nay, phần lớn diện tích khai thác trên 20 năm đã già cỗi, nên cần phải tái canh. Đây là một việc làm chưa có tiền lệ ở Ia Grai, kể cả với toàn ngành cà phê. Một trong những lý do khiến cây cà phê ở địa bàn nhanh kiệt năng suất, là ngay từ khi trồng giống cà phê đã không được “chuẩn”. Toàn bộ khâu kiến tạo vườn cây, nhất là khâu chọn đất, thiết kế hệ thống cung cấp nước tưới… cũng chưa được xây dựng bài bản.

Công ty Ia Grai có trên 1.500ha cà phê, trong đó: riêng cà phê hộ công nhân đã chiếm 1/3 tổng diện tích. Từ năm 2007 đã có trên 300ha già cỗi, phải tái canh. Được chọn làm thí điểm tái canh cà phê ở Gia Lai, Công ty gặp phải cái khó là thiếu vốn, nhưng được NHCSXH và Agribank Gia Lai giúp cho vay, nên cũng đã và đang thực hiện khá hiệu quả lộ trình kế hoạch.

Ông Nguyễn Đại Ngọc - Giám đốc Cty TNHH một thành viên cà phê Ia Grai (Công ty Ia Grai) đưa chúng tôi ra thăm vườn cà phê tái canh thí điểm và cho biết, trách nhiệm của Công ty là phải làm thật tốt để hướng dẫn tái canh cà phê gia đình, không chỉ ở vườn các hộ công nhân của Công ty mà còn các hộ trồng cà phê trong huyện.

Doanh nghiệp Nhà nước phải làm trước và phải làm thật tốt cho xứng đáng với vai trò chủ đạo là vậy đấy. Là cây xóa nghèo, cây hàng hóa làm giàu mạnh kinh tế huyện… nên tái canh cây cà phê đã và đang là nhiệm vụ chính trị số một hiện nay ở Ia Grai…

Giám đốc Nguyễn Đại Ngọc cho biết, tái canh lần này khó khăn gian khổ hơn trồng mới ngày xưa. Vì cà phê nay là hàng hóa hướng ra thị trường thế giới, “cà phê WTO” chứ không phải “cà phê phủ xanh đất trống, đồi trọc”, nên phải làm lại từ đầu mọi thứ…

Theo TBNH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác