Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
NS&VSMTNT là một trong những tiêu chí xây dựng Nông thôn mới được các cấp các ngành hết sức quan tâm. Thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT, chương trình xây dựng Nông thôn mới… góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hướng tới một xã hội phát triển bền vững.
Đến nay, việc thực hiện chương trình NS&VSMTNT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu được những kết quả khả quan: Trên 64% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02/BYT đạt 45,14%; 35,7% số trường học có nước hợp vệ sinh; 47% số hộ dân có công trình xử lý chất thải hợp vệ sinh. Ông Nguyễn Duy Quý - Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Các hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, các công trình vệ sinh, bể biogas được xây dựng không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp các hộ gia đình tận dụng được chất thải, tạo nguồn nhiên liệu chất đốt, giảm chi phí sản xuất, sinh hoạt cho hộ gia đình. NHCSXH tỉnh luôn luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận với NS&VSMTNT”.
Gia đình anh Phạm Văn Hùng ở xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch chưa có điều kiện về kinh tế để xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh khép kín, nên nước giếng khoan cũng chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt giũ, còn nước ăn chủ yếu là nước mưa. Năm 2012, gia đình anh Hiếu được vay 8 triệu đồng vốn từ NHCSXH để xây nhà vệ sinh và công trình nước sạch. Cùng với kinh phí của gia đình, vợ chồng anh đã xây được cả 2 công trình nước sạch và công trình vệ sinh. “Được vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm các công trình này như phao cứu sinh đối với các hộ nghèo vùng cao chúng tôi. Tuy nhiên, với giá nguyên vật liệu đang tăng cao, tôi mong sao được tăng mức vay từ 8 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng”, anh Hiếu đề đạt nguyện vọng.
Có thể thấy rõ, chương trình đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các ngành, các cấp, người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Từ nguồn vốn ưu đãi này đã có hàng triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn; đồng thời, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở tất cả mọi nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa các vùng dân cư với nhau.
Phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và trường mầm non, trường học, trạm y tế, chợ, trụ sở xã sử dụng nước sạch, 100% hộ dân nông thôn có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh và 75% số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, trong đó 45% chuồng trại được xử lý bằng hầm biogas; vấn đề nước thải, rác thải của các xã, thị trấn trong tỉnh cơ bản được xử lý từ 60 - 75%.
Thực hiện thành công các mục tiêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường đảm bảo cho phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Để đạt được mục tiêu ấy, trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện các dự án NS&VSMTNT, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng giúp các hộ dân xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng; tập trung ưu tiên cho vay tại các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và những nơi bị ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Ngọc Lan
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những chương trình tín dụng nhân văn: Cơ sở giảm nghèo bền vững
- » Dựng cơ nghiệp trên quê hương mới
- » Biện pháp giảm nghèo ở Tuyên Quang
- » Phụ nữ huyện Vĩnh Lợi củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Cà phê từ vườn nhà ra “WTO”
- » Điểm sáng Định Hóa
- » Đa dạng các nguồn vốn giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình
- » Cùng đồng hành xây dựng Nông thôn mới
- » 90.000 lao động ở Ninh Bình có việc làm ổn định từ vốn vay GQVL
- » “Cầu nối” giúp hội viên phát triển kinh tế