Dựng cơ nghiệp trên quê hương mới

06/12/2013
(VBSP News) Từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Lâm Đồng làm dịch vụ uỷ thác đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên được vay vốn thuận lợi và sử dụng vốn đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, thâm canh những cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại nên đã thoát nghèo nhanh, vươn lên có cuộc sống khá giả.
Sự cần cù chịu khó đã cho kết quả tốt trên quê hương mới

Sự cần cù chịu khó đã cho kết quả tốt trên quê hương mới

Tiêu biểu cho những gương mặt phụ nữ làm kinh tế giỏi năm 2013 trên vùng đất phía Nam Tây Nguyên là chị Cấn Thị Thơ ở thôn 4, xã Quốc Oai, huyện Đạ Te’h (Lâm Đồng), không chỉ là người có nghị lực, chăm chỉ lao động mà còn là một trong những cán bộ tích cực tham gia công tác xóa nghèo và tín dụng chính sách.

Năm 2011, chị Thơ cùng gia đình ở ngoại thành Hà Nội vào Lâm Đồng khai hoang lập nghiệp. Thuở ấy trên quê mới, vốn thiếu, đất sản xuất, nhà cửa không có, gia đình chị phải ăn đậu, ở nhờ nhà người quen, ngày ngày hai vợ chồng vào rừng lấy tre nứa về làm tăm nhang bán, chắt chiu để có tiền nuôi các con. Nhờ siêng năng, chịu khó nên hai năm nay, anh chị Thơ cũng dành dụm mua được mảnh đất vừa làm nhà, vừa trồng tiêu. Đúng thời điểm này chị được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ vay 9 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư vào việc phát triển kinh tế gia đình. Thời gian thấm thoát như thoi đưa, từ đồng vốn vay ưu đãi đó cùng sự chung lưng đấu cật, làm lụng sớm khuya của mọi người trong gia đình, chị Thơ đã xây dựng được mô hình đa cây, đa con trên diện tích 4ha, bao gồm 350 gốc tiêu mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng; 200 cây măng cụt trồng xen giữa vườn điều 2,5ha. Ngoài đàn heo giống đầy 2 dẫy chuồng, chị còn nuôi thả 200 con ba ba với giá bán bình quân 270.000 đồng/kg, bình quân hằng năm gia đình chị có lãi khoảng 50 triệu đồng.

Khi kinh tế ổn định và trả hết nợ nần cho ngân hàng, vợ chồng chị Thơ đã nhiệt tình tự nguyện tham gia công tác xã hội. Anh Phương, chồng chị làm Chủ tịch Hội Nông dân xã hai khóa liền, còn chị Thơ được bà con tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn 4, kiêm cán bộ Ban giảm nghèo, trực tiếp theo dõi công tác tín dụng chính sách của địa phương. Chị Cấn Thị Thơ chia sẻ kinh nghiệm thoát nghèo, làm kinh tế gia đình: “Ngoài sự cần cù lao động, muốn sản xuất hiệu quả cũng phải có kiến thức kỹ thuật, có tính toán nuôi, trồng mỗi thứ một ít rồi mới phát triển lên mới có thu nhập thường xuyên và ổn định được. Tất nhiên nguồn vốn vay của NHCSXH phải là quan trọng hàng đầu, vốn vay tuy nhỏ nhưng nếu biết sử dụng hợp lý thì nó sẽ làm nên chuyện lớn đấy”.

Cũng như chị Thơ từ tay trắng làm nên cơ nghiệp, chị Quàng Thị Xuân, dân tộc Thái từ vùng cao Sìn Hồ đi xây dựng kinh tế mới tại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng vào cuối năm 2002. Vì thuộc diện hộ nghèo, chị Xuân được Tổ tiết kiệm và vay vốn trên quê hương mới bình xét vay vốn của NHCSXH hai lần, tổng cộng là 30 triệu đồng. Với 10 triệu đồng vay lần đầu thuộc hộ nghèo, chị đã mua cặp bò sinh sản. Nhận thấy nghề chăn nuôi gia súc có cơ hội phát triển, lại đúng dịp NHCSXH triển khai chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, chị Xuân làm đơn xin vay tiếp đợt 2, để mở rộng chuồng trại, mua thêm 4 con bò gầy về chăn thả, vỗ béo. “Hiện tại, trang trại bò của gia đình tôi thu lãi khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của NHCSXH gia đình tôi đã thoát nghèo từ năm 2012 và còn xây được 3 gian nhà vững chắc để an cư lập nghiệp trên quê mới”.

Nguồn vốn chính sách trên cao nguyên Lâm Đồng đã tạo điều kiện thuận lợi giúp phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đã góp phần xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ vững mạnh, được địa phương đánh giá cao.

Bài và ảnh Vọng Phố

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác