Thành công “kép” từ mô hình nhà tránh lũ
Sức lan tỏa mạnh
Từ kết quả thí điểm tại 7 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 700 hộ nghèo được hưởng thụ, mô hình nhà tránh lũ được người dân đón nhận, đồng tình, ủng hộ bởi rất phù hợp điều kiện thực tế. Chương trình thực hiện với nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp” để xây dựng được nhà chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố.
Giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/nhà chòi; trong đó Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vốn vay NHCSXH 10 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong thời gian 10 năm (thời gian ân hạn trong 5 năm đầu); số vốn còn lại do người dân tự đóng góp. Mặc dù “vốn mồi” không phải là lớn nhưng đã kích thích các nguồn lực khác cũng như nỗ lực của người dân trong việc tham gia xây dựng chòi tránh lũ. Đặc biệt, thành công lớn nhất từ Quyết định 716 chính là đem lại sự bình an cho các hộ nghèo trong vùng ngập lũ khi giúp họ có thể yên tâm sinh sống, không phải lo sơ tán mỗi khi lũ về.
Nhận thấy hiệu quả tích cực từ chương trình, Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ về chính sách hỗ trợ các hộ nghèo khu vực miền Trung xây dựng nhà ở phòng chống lũ lụt. Theo dự kiến, sẽ có khoảng 40.000 hộ nghèo ở vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt thuộc 14 địa phương khu vực miền Trung (từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Thuận) được thụ hưởng chính sách này. Ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp 10 triệu đồng/hộ (vùng đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ). Cùng đó, các hộ còn được NHCSXH cho vay ưu đãi tối đa 15 triệu đồng/hộ cộng với khoảng 10 triệu đồng đóng góp của chính gia đình, cộng đồng cùng các nguồn khác… sẽ giúp tạo lập những căn nhà tránh lũ an toàn cho người dân.
Theo thống kê từ các địa phương và khảo sát của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 40.500 hộ nghèo đang sống tại khu vực ngập lụt từ 1,5m trở lên, trong đó hơn 8.000 hộ cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh số hộ nghèo là 36.400 hộ cận nghèo, trong đó 6.100 hộ cư trú tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nếu chỉ tính riêng số hộ nghèo, nguồn vốn ngân sách Trung ương cần hỗ trợ là 417 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4,2 tỷ đồng và vốn vay NHCSXH là 608 tỷ đồng. Cùng đó, số vốn dự kiến huy động từ cộng đồng và các hộ gia đình cũng vào khoảng 405 tỷ đồng. Mốc thời gian đề xuất triển khai thực hiện trong 2 năm (2014 và 2015), trong đó, năm 2014 hỗ trợ cho khoảng 15.000 hộ với số vốn NSNN khoảng 156 tỷ đồng; số còn lại, khoảng 25.000 hộ, sẽ thực hiện nốt trong năm 2015. Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, căn cứ tình hình thực tế, chương trình sẽ đề nghị thực hiện hỗ trợ đối với những hộ thuộc diện cận nghèo.
Giảm thiệt hại cho người dân
Thực tế “vượt bão” của người dân chính là một minh chứng sinh động về chính sách thiết thực này. Chương trình xây nhà tránh lũ cho đồng bào miền Trung được nhiều chuyên gia đánh giá là thành công kép vì ngoài việc giúp người dân có nhà còn giúp họ có thể thoát nghèo một cách bền vững. Bởi vậy, từ thành công ở bước thí điểm, chương trình sẽ được triển khai ở quy mô lớn hơn nhiều.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: 14 tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa tới Bình Thuận liên tục phải hứng chịu những cơn bão kèm theo mưa lũ rất lớn và gây thiệt hại nặng nề về tài sản và về người cho người dân. Chính vì vậy, Chính phủ đã chủ động để đề ra, xây dựng đề án tránh lũ cho đồng bào ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Những ngôi nhà này đều an toàn và vững vàng chống chọi được với những đợt mưa lũ liên tiếp trong thời gian qua, đảm bảo an toàn cả về tài sản cả về tính mạng cho người dân.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng rất nhiều của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cần phải xây dựng một đề án tổng thể để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong đó có việc đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng nói chung, nhất là nhà dân. Vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đã cử một đoàn công tác trực tiếp sang khảo sát, tìm hiểu những thiệt hại của cơn bão Haiyan gây ra đối với Philippines cũng như tìm những giải pháp để ứng phó với tình trạng này nếu xảy ra những cơn bão tương tự tại Việt Nam. Hiện, Bộ Xây dựng đã tập trung cùng với các địa phương để điều tra một cái bản đồ phân vùng những khu vực sẽ bị tác động lớn của bão. Từ đó sẽ có những giải pháp để xây dựng những công trình ứng phó khi bão xảy ra. Mặt khác, phải xây dựng một đề án tổng thể không chỉ chống lũ, hay xây nhà vượt lũ mà còn cần có thêm giải pháp hỗ trợ cho đồng bào nghèo, đồng bào khó khăn có nhà ở an toàn khi bão xảy ra.
Hiện Bộ Xây dựng đang tập trung điều tra cùng các địa phương để xây dựng đề án này, trong đó sẽ phải lồng ghép một số đề án, chương trình có nội dung liên quan như: Nhà ở 167 giai đoạn 2, nhà ở cho người có công, nhà vượt lũ, nhà tránh lũ của đồng bào miền Trung… Chỉ như vậy mới tạo ra một đề án tổng thể và đảm bảo an toàn cho đồng bào ở mọi nơi khi mà có bão lũ xảy ra. Đây không chỉ là phương án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, mà còn là giải pháp để góp phần giảm nghèo bền vững; đảm bảo cho người dân có cuộc sống ổn định và phát triển trong tương lai.
Bài và ảnh Thu Hằng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay hộ cận nghèo
- » Hội CCB tỉnh Nam Định với công tác nhận ủy thác vốn vay ưu đãi
- » Ước mơ đã thành hiện thực
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Vĩnh Phúc hoạt động tốt
- » Hà Giang: Phấn đấu tổng dư nợ năm 2013 đạt 1.755 tỷ đồng
- » Đoàn Thanh niên NHCSXH Trung ương tham dự Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II
- » Hiệu quả tín dụng cho sinh viên nghèo
- » Tiếp sức cho huyện nghèo 30a
- » Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng NS&VSMTNT
- » Những chương trình tín dụng nhân văn: Cơ sở giảm nghèo bền vững