Giúp ổn định đời sống người dân nội đô
Việc làm mới và phát đạt
Vài năm trước đây, nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc khu Cao - Xà - Lá (Thanh Xuân) và một số địa bàn bị thu hồi đất ở Đống Đa phải chuyển ra ngoại thành để đảm bảo vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị khiến hàng nghìn công nhân ở 2 quận Đống Đa và Thanh Xuân bị mất việc làm. Để ổn định đời sống cho người dân, chính quyền địa phương và NHCSXH đã sớm vào cuộc, giúp người lao động nghèo nội đô nhanh chóng tìm công việc mới. Kết quả là hàng nghìn người đã có việc làm và đời sống ngày càng ổn định, thậm chí nhiều hộ nhờ nguồn vốn ban đầu trở thành doanh nghiệp lớn, doanh nhân giỏi của Thủ đô.
Bà Ngô Thị Quý, trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho biết, cách đây 3 - 4 năm, bà bị mất việc làm do Nhà máy Cơ khí Hà Nội chuyển sang Bắc Ninh, cùng lúc phải nuôi 3 con nhỏ ăn học, gia đình rất khó khăn, chưa biết trông chờ vào đâu. Đúng lúc này, bà được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để mở cửa hàng tạp hóa ngay tại chợ Cơ Khí (khu tập thể cũ của nhà máy). Từ nguồn vốn nhỏ ban đầu đó, cuộc sống gia đình bà dần ổn định, các con được học hành đến nơi đến chốn, hiện một cháu đã ra trường và có việc làm.
Tương tự, bà Phan Thị Thuận, vốn là công nhân Nhà máy Cao su 2, cho biết, do phải về hưu trước tuổi và phải nuôi 2 con ăn học nên bà cũng được vay 20 triệu đồng của NHCSXH. Một nửa số tiền này bà đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, nửa còn là mua xe máy để chồng chạy xe đưa đón khách. Kết quả là, nhờ làm ăn chăm chỉ, vợ chồng chị có thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống tạm ổn định như ngày chưa mất việc.
Cũng như ở Thanh Xuân, người dân Đống Đa nhận được sự giúp đỡ của NHCSXH rất đúng lúc. Bà Cao Thu Hằng trú tại phường Ngã Tư Sở tâm sự, trước đây, gia đình bà chỉ có quầy bánh mỳ ở vỉa hè, sau khi gia nhập Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp nhỏ, bà được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Nhờ khéo léo trong công tác bếp núc, món ăn ngày càng phong phú nên khách đến với cửa hàng ngày càng đông, vì vậy, bà thuê thêm 6 phòng ăn rộng rãi bán bánh mỳ sốt vang. Hiện, cửa hàng của bà thu lãi 40 - 50 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 lao động (trong đó có 2 lao động đi cai nghiện trở về), với mức lương trung bình 2,4 triệu đồng/người/tháng.
Bà Phạm Thị Chín - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ngã Tư Sở cho biết: “Hội đã bảo lãnh vay vốn NHCSXH cho hàng trăm nữ doanh nhân và phụ nữ nghèo, giúp họ có công ăn việc làm ổn định và làm giàu chính đáng. Cửa hàng bánh mỳ của bà Hằng là mô hình làm kinh tế giỏi gắn với từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ người nghèo khá tốt. Không những thế, năm 2002, cửa hàng còn được công nhận là đơn vị tiêu biểu đạt danh hiệu của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; đạt Tốp 50 sản phẩm, dịch vụ tin cậy vì người tiêu dùng 2012 do UBND TP. Hà Nội trao tặng”.
Sử dụng vốn hiệu quả
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Thanh Xuân - Đống Đa, cho biết: “Nhiều người ở 2 quận là lao động nghèo và lao động giản đơn. Con số này ngày càng tăng khi có nhiều nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn phải di chuyển ra ngoại thành. Vì vậy, nguồn vốn của ngân hàng đến với người dân rất đúng lúc và được sử dụng hiệu quả. Thực tế thấy, hàng nghìn hộ lúc đầu chỉ bán hàng tạp hóa, quán cóc vỉa hè, sửa chữa đồ điện, điện tử, sau vài năm đã mở cửa hàng lớn, siêu thị nhỏ, trở thành ông chủ lớn. Hơn thế nữa, những người giúp việc cho các ông chủ này sau một thời gian thành thạo nghề lại về mở cửa hàng riêng, mô hình cứ nhân rộng theo cấp số nhân, tạo việc làm ổn định cho người dân quanh khu vực”.
Được biết, tính đến tháng 10/2013, Phòng giao dịch NHCSXH Thanh Xuân - Đống Đa đã thực hiện xấp xỉ 100% kế hoạch tín dụng cấp trên giao. Tất cả các món vay đều được thực hiện đúng quy định, cho vay đúng đối tượng, có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng hạn. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về kế toán - ngân quỹ. Tiết kiệm chi tiêu để phấn đấu hoàn thành kế hoạch tài chính được giao. Đặc biệt, Ban đại diện HĐQT NHCSXH đã kịp thời tham mưu cho 2 quận ra các văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách theo quy định, đồng thời sớm triển khai các văn bản mới của cấp trên và UBND TP. Hà Nội. Tính đến 31/10/2013, Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Xuân - Đống Đa đã tham mưu để tạo được nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ ngân sách 2 quận với số tiền 14 tỷ đồng. Cũng theo bà Chi, thời gian tới, ngân hàng sẽ bám sát chỉ tiêu dư nợ được cấp trên giao, cho vay và thu nợ kịp thời, không để tồn đọng vốn, phấn đấu hoàn thành 100% chiêu kế hoạch về số lượng và đảm bảo chất lượng.
Dương Thu Hiên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH huyện Bắc Sơn hoàn thành gần 100% kế hoạch
- » Thành công “kép” từ mô hình nhà tránh lũ
- » Thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay hộ cận nghèo
- » Hội CCB tỉnh Nam Định với công tác nhận ủy thác vốn vay ưu đãi
- » Ước mơ đã thành hiện thực
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Vĩnh Phúc hoạt động tốt
- » Hà Giang: Phấn đấu tổng dư nợ năm 2013 đạt 1.755 tỷ đồng
- » Đoàn Thanh niên NHCSXH Trung ương tham dự Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II
- » Hiệu quả tín dụng cho sinh viên nghèo
- » Tiếp sức cho huyện nghèo 30a