Điểm tựa thoát nghèo bền vững

23/12/2013
(VBSP News) Tuy mới triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ giữa năm 2013 song chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo đã mang lại hiệu quả rõ nét. Bên cạnh đó, sau khi được NHCSXH lựa chọn tỉnh thực hiện thí điểm bố sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện (từ tháng 3/2013) giai đoạn 2013 - 2014, việc quản lý vốn tín dụng ưu đãi ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực.
NHCSXH huyện Lục Nam giải ngân vốn cho hộ cận nghèo Ảnh: Trần Việt

NHCSXH huyện Lục Nam giải ngân vốn cho hộ cận nghèo
                                                                                                                                                             Ảnh: Trần Việt

Niềm vui có vốn

Nằm trong kế hoạch giải ngân của NHCSXH huyện Lục Nam (Bắc Giang), ngày 23/11/2013, Bảo Đài là xã cuối cùng của huyện được tiếp cận nguồn vốn đợt 1 từ chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo. Tuy được tiếp cận chậm hơn so với các địa phương khác nhưng các hộ được vay vốn vẫn rất vui bởi đây là cơ hội để họ thoát nghèo bền vững.

Là hộ nghèo của thôn Long Lanh, sau khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh Nguyễn Văn Sự đã thoát nghèo. Tuy nhiên, từ khi chuyển thành hộ cận nghèo, gia đình anh không còn cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Điều này làm cho gia đình gặp trở ngại trong quá trình phát triển sản xuất do thiếu vốn.

Nhà có 4 khẩu, trong khi có hai con đang tuổi ăn học nhưng tất cả các khoản chi tiêu đều trông vào 4 sào lúa khiến gia đình anh càng trở nên khó khăn. Khi còn là hộ nghèo, gia đình anh còn được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế thì nay nguồn vốn đó đã ưu tiên cho những hộ khó khăn hơn. Không có vốn đầu tư sản xuất, đất đai lại ít nên anh Sự phải đi làm thuê để có thêm thu nhập. Làm thuê vất vả nhưng đồng tiền làm ra cũng chẳng đáng là bao. Để tháo gỡ phần nào khó khăn, anh Sự bàn với vợ thầu thêm đất để sản xuất, cải thiện đời sống gia đình. Và niềm vui đã đến với gia đình anh khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho đối tượng cận nghèo.

Anh Sự tâm sự: Sau khi thoát nghèo, gia đình muốn vay tiếp nguồn vốn của NHCSXH để phát triển kinh tế nhưng không được vì không phải là đối tượng. Trong khi đó, vay vốn bên ngoài thì lãi suất cao nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Khi biết gia đình được tiếp tục vay vốn từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo, tôi vui lắm, đợt này tôi vay 25 triệu đồng để mua bò về nuôi. Khi có bò, gia đình sẽ không phải thuê máy lồng, không phải mua nhiều phân bón ruộng như trước kia nữa.

Có 5 con, trong đó 2 con đang học đại học, gia đình chị Nguyễn Thị Tư ở xóm 8, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên dù cố gắng rất nhiều song kinh tế vẫn chưa bứt lên được. “Không có vốn thì không thể làm gì được. Nhiều đêm nằm nghĩ muốn làm cái nọ, cái kia nhưng đành bó tay vì chẳng biết lấy đâu ra vốn”, chị Tư tâm sự.

Chị cũng tính vay vốn ưu đãi từ NHCSXH nhưng gia đình không thuộc diện nghèo nên không được vay. Vay các Ngân hàng thương mại thi cần thế chấp, mức lãi suất vượt quá khả năng chi trả. Giữa năm 2013, chị vui mừng khỉ nghe được thông tin về chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo. Nhận 25 triệu đồng tử cán bộ tín dụng, chị vô cùng cảm động. Về nhà, chị mua 2 con bò cái với suy nghĩ và tính toán đơn giản: Nuôi bò vừa tận dụng được thời gian nhàn rỗi, thức ăn không phải lo nhiều và đặc biệt là bê con đang rất được giá.

Có mặt tại nhà chị Tư, chị hồ hởi chỉ cho chúng tôi một chú bê vừa mới ra đời và nói: “Đây là thành quả từ nguồn vốn vay NHCSXH đấy. Bây giờ một con bê có giá khoảng 20 triệu đồng, mỗi năm đôi bò sinh sản 1 - 2 con là gia đình có đủ tiền để trả ngân hàng đúng hạn”. Đặc biệt, từ hiệu quả của nguồn vốn vay hộ cận nghèo, chị mạnh dạn vay thêm tiền từ người thân, bạn bè để mở rộng mô hình nuôi lợn và gà thương phẩm. Những “dự án” nhỏ của gia đình đang có những tín hiệu đáng mừng và chị Tư khẳng định sẽ thoát vị tri hộ cận nghèo trong năm sau.

Nhẹ gánh lo xã hội

Cùng với gia đình chị Tư, gần 40 hộ gia đình cận nghèo ỡ xã Việt Tiến được vay vốn từ NHCSXH đều sử dụng vốn đúng mục đích và đang phát huy những tác dụng nhất định. Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2013, Việt Tiến có 196 hộ cận nghèo, đến nay, đã có 37 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Đây thực sự là nguồn vốn có ý nghĩa đối với các hộ dân cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của xã”. Theo ông Hùng, trước đây, xã rất “lo” cho các hộ cận nghèo vì thực tế thấy, các hộ đều có mức thu nhập, đời sống tương đối thấp, không khác với hộ nghèo là bao. Trong khi hộ nghèo được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi về bảo hiểm, tiền điện, các chính sách cho vay… thì hộ cận nghèo là không được hưởng chút hỗ trợ nào. Điều này khiến chương trình giảm nghèo bền vững của xã gặp khó khăn, khá nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng không có vốn để tiếp tục sản xuất, nên lại… tái nghèo.

Câu chuyện vốn, chính sách ưu đãi cho các hộ cận nghèo thường làm nóng các cuộc họp chi bộ, họp thôn. Chính vì vậy, khi có chương trình cho vay này, xã đã nhanh chóng triển khai, thực hiện quy trình bình xét cho vay đúng quy định, bảo đảm minh bạch, công bằng. Kết quả, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, đa số đầu tư vào phát triển kinh tế hộ gia đình như làm nghề mộc, nuôi bò, trồng một số loại cây mới, mang lại hiệu quả cao như cà chua bi, dưa ngọt.

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nông dân ở Bắc Giang có điều kiện phát triển chăn nuôi Ảnh: Trần Việt

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nông dân ở Bắc Giang có điều kiện phát triển chăn nuôi
                                                                                                                                                              Ảnh: Trần Việt

Tăng chất lượng tín dụng

Đầu tháng 3/2013, NHCSXH lựa chọn tỉnh Bắc Giang cùng với Thanh Hoá, Long An thực hiện thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện (gọi tắt là Ban đại diện cấp huyện) giai đoạn 2013 - 2014. Sau hơn 9 tháng triển khai quy định này, việc quản lý vốn tín dụng ưu đãi ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực.

Ông Lý Xuân Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phồn Xương, huyện Yên Thế cho biết, từ khi tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, ông bận rộn hơn. Hằng tuần, ông đều dành thời gian kiểm tra tình hình sử dụng vốn ưu đãi, trả nợ, trả lãi, củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ chức nhận cho vay uỷ thác trong quá trình đôn đốc thu hồi nợ nếu gặp vướng mắc đều được ông Thịnh trực tiếp chỉ đạo, đưa ra hướng giải quyết.

Trước đây, công việc này do một Phó Chủ tịch UBND xã đảm nhiệm, còn nay được đặt lên vai người đứng đầu chính quyền cơ sở. Có sự sát sao của Chủ tịch UBND xã, Trưởng các thôn đã tích cực hơn trong việc phối hợp với các hội, đoàn thể bình xét hộ vay vốn, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn và thu hồi nợ.

Theo ông Thịnh, thành viên Ban đại diện cấp huyện, các Chủ tịch UBND xã được dự họp trực tiếp trong mỗi kỳ giao ban nên đã nắm bắt chi tiết những nội dung do cấp trên chỉ đạo; có những vấn đề chưa rõ, chưa hiểu có thể trao đổi ngay tại hội nghị nên việc triển khai chương trình tín dụng ưu đãi nhanh và thuận lợi hơn. Được biết, tháng 3/2013 (thời điểm bắt đầu thực hiện quy định Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện cấp huyện), toàn xã có hơn 100 triệu đồng nợ quá hạn. Đến nay, giảm còn 14 triệu đồng của 3 hộ có hoàn cảnh khó khăn, chiếm 0,17% tổng dư nợ. Cùng với Phồn Xương, từ cuối tháng 3/2013, Chủ tịch UBND của 21 xã/thị trấn trên địa bàn huyện Yên Thế đã trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, nâng tổng số thành viên lên 31. Do có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu, hiệu quả phối hợp giữa chính quyền cơ sở với NHCSXH được nâng cao, một số xã gần đây không phát sinh nợ quá hạn mới.

Ông Nguyễn Việt Trung - Giám đốc NHCSXH huyện Lục Nam, cho biết: “Năm 2012, Lục Nam có 5.573 hộ cận nghèo, 100% đối tượng này đều có nhu cầu vay vốn, trong đó có hơn 2.000 hộ có nhu cấu vay vốn nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình của ngân hàng, số vốn đáp ứng nhu cầu đối tượng này lên tới hơn 60 tỷ đồng. Theo kế hoạch của Trung ương, đến 30/9/2013, NHCSXH huyện đã giải ngắn hơn 8 tỷ đồng với 309 hộ vay, đạt 100% kế hoạch”.

Theo thông tin từ NHCSXH tỉnh Bắc Giang, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, trong tháng 3/2013, toàn tỉnh đã bổ sung 230 Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, nhanh chóng ổn định bộ máy; tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu, phân công nhiệm vụ cho những thành viên mới. Chủ trương thí điểm nhận được sự đồng tình của cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân. Bước đầu, hoạt động của chủ tịch UBND cấp xã với vai trò mới đã phát huy hiệu quả tích cực, nhất là trong triển khai chương trình cho vay hộ cận nghèo, giải ngân những nguồn vốn ưu đãi bổ sung cuối năm, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngô Gia Quát - Giám đốc chi nhánh, ở một số nơi, Chủ tịch UBND cấp xã chưa dành thời gian thoả đáng cho việc phối hợp quản lý vốn tín dụng ưu đãi vì phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa sâu sát tình hình giải ngân, thu hồi nợ. Khắc phục hạn chế này, đề nghị ban đại diện cấp huyện thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của các thành viên, kịp thời nhắc nhở những cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ; tiếp tục nắm bắt thuận lợi, vướng mắc phát sinh ở cơ sở, tổng hợp tình hình để có căn cứ đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc thời gian thi điềm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.

Hoàng Văn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác