Hội Nông dân Văn Chấn hướng về cơ sở

28/12/2013
(VBSP News) Văn Chấn là một huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, có diện tích tự nhiên trên 120.517ha, hơn 70% là đồi, núi; 18 dân tộc anh em cùng chung sống; 93% số hộ trong huyện sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân Văn Chấn đã đoàn kết, giúp nhau xóa nghèo và làm giàu chính đáng, đạt được nhiều kết quả đáng mừng.
Mô hình trồng cam tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Băng La

Mô hình trồng cam tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Băng La

Để phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội ở huyện Văn Chấn đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. Trước hết là tìm nguồn vốn. Đến nay, toàn hội đã ký ủy thác với NHCSXH, đạt tổng dư nợ trên 63 tỷ đồng, với 158 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho trên 53.000 hội viên vay.

Tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương, hội đã triển khai các dự án giúp hội viên phát triển sản xuất, như dự án khai hoang 10,2ha ruộng bậc thang cho 51 hộ đồng bào dân tộc Thái tại Suối Quê, xã Phù Nham; dự án trồng và chăm sóc chè, cho nhóm 10 hộ hội viên nông dân tại 2 xã Tân Thịnh, Bình Thuận; ký hợp đồng với Tổng Công ty máy đông lực và máy nông nghiệp Việt Nam làm đại lý, cung ứng 70 máy cho nông dân; triển khai dự án nuôi ba ba tại xã Nghĩa Tâm và nuôi lợn nái sinh sản siêu nạc ở xã Phù Nham trị giá 1,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và vay NHCSXH… Các dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Ngoài ra, để giúp nông dân nắm được kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thời gian qua hội đã phối hợp với các ban, ngành chức năng của huyện, như Trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y mở 15 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức sản xuất chè an toàn, mở 36 lớp dạy nghề, 2 lớp tập huấn sử dụng và sửa chữa máy nông cụ… cho hàng trăm lượt hội viên tham gia.

Nhờ có vốn vay kết hợp với các kiến thức khoa học, kỹ thuật được chuyển giao, các hội viên nông dân trong huyện Văn Chấn đã tập trung đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng gia trại, trang trại. Nhiều hộ từ nghèo đói đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Hộ gia đình ông Hoàng Văn Khuyến ở thôn Nan 2, xã Phù Nham là một thí dụ.

Trước đây, cũng như nhiều gia đình nông dân trong thôn, trong xã, gia đình ông Khuyến chỉ trông vào mấy sào ruộng. Đất nhiều nhưng thiếu kiến thức trồng trọt, thiếu vốn đầu tư nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết. Năm 2007, xã phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa nước, kỹ thuật chăn nuôi, ông Khuyến là một học viên. Sau đợt tập huấn, ông bàn với vợ vay anh em, bạn bè và qua Hội Nông dân ông được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Do ít vốn, chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi 4 con lợn nái. Lợn đẻ, ông không bán mà giữ lại toàn bộ để nuôi. Tuy là năm đầu, nhưng 70 con lợn cứ ăn, cứ lớn, không bệnh tật, cuối năm ông bán được 4,5 tấn lợn hơi, thu 112 triệu đồng, trừ chi phí lãi 70 triệu đồng.

Có vốn, ông đầu tư mở rộng sản xuất: mua máy xát nghiền thức ăn gia súc, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trồng 1ha ngô đồi và nuôi gia cầm. Năm 2008, ông bán được 7 tấn lợn hơi, hơn 1 tấn gia cầm và dịch vụ xay xát. Cộng 3 khoản gia đình thu nhập 320 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 130 triệu đồng. Sản phẩm 1ha ngô đồi, ông nghiền làm thức ăn chăn nuôi.

Từ năm 2009 đến nay, ông Khuyến ổn định quy mô chăn nuôi, khoảng 100 đầu lợn, 600 - 700 con gia cầm. Năm 2012, gia đình ông đạt doanh thu 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi 50%. Từ một hộ nghèo, khởi nghiệp từ những đồng vốn vay - chủ yếu của NHCSXH, qua nhiều năm kiên trì phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đến nay ông Hoàng Văn Khuyến đã trở thành một hộ khá giả, xây được nhà 2 tầng, trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, quan trọng hơn có điều kiện chăm sóc con học hành.

Không chỉ làm giàu cho mình, ông Khuyến còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong thôn cùng phát triển kinh tế gia đình. Bằng sự giúp đỡ thiết thực của ông, đã có 3 hộ thoát nghèo. Nhiều năm nay, ông được công nhận là hội viên nông dân sản xuất giỏi và được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen từ huyện đến tỉnh.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nguyễn Ngọc Chiến, thì ông Khuyến là một trong hàng nghìn mô hình tiêu biểu của nông dân Văn Chấn sản xuất, kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả.

Bài và ảnh Châu Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác