Vùng cao biên giới Thanh Chăn khởi sắc

28/12/2013
(VBSP News) Trong số 11 xã điểm xây dựng Nông thôn mới ở miền Tây Bắc do Ban Bí thư chỉ đạo thì Thanh Chăn thuộc huyện Điện Biên (Điện Biên) là địa phương có khó khăn nhất bởi cơ sở hạ tầng yếu kém (cả xã chỉ mói có 800 mét đường bê tông), trình độ dân trí thấp. Đã thế, quỹ đất để mở rộng quy mô sản xuất hạn hẹp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 30,7% vào thời điểm năm 2008, năng lực quản lý của cán bộ cũng hạn chế.
Đời sống của người dân Điện Biên ngày càng khá giả

Đời sống của người dân Điện Biên ngày càng khá giả

Ấy vậy giờ đây, vùng quê biên giới Thanh Chăn đã đổi thay hoàn toàn. Người dân được đi trên những con đường trải nhựa, đổ bê tông khang trang, sạch sẽ. Cùng với trụ sở UBND, trạm y tế, trường học, khu thị trấn thể thao ở xã cũng đã được xây dựng giúp người dân rèn luyện sức khỏe.

Ông Cà Văn Pánh - Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Việc tập trung huy động nguồn lực, trong đó: nguồn vốn tín dụng chính sách được coi trọng, thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án đầu tư khác đã trở thành động lực quan trọng trong quá trình xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Chăn đã mang lại những lợi ích thiết thực góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn xa xôi nghèo nàn và khẳng định ý nghĩa, vị trí quan trọng của các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong xóa nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng Nông thôn mới.

Ông Pánh dẫn chứng trong 11 năm qua, NHCSXH đã triển khai cho xã Thanh Chăn vay tới 9 chương trình tín dụng ưu đãi với hơn 20 tỷ đồng. Riêng Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp cho 995 hội viên vay trên 13 tỷ đồng, trong đó: chủ yếu là vốn ưu đãi của chương trình hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, mở nghề dịch vụ xay xát, đầu tư phương tiện vận tải chở hàng nông sản thực phẩm từ vùng cao xuống miền xuôi,… từng bước phát triển kinh tế, đem lại lợi nhuận kinh tế.

Cùng với các giải pháp, các chương trình, dự án khác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho xã Thanh Chăn có thêm vụ đông xuân trên diện tích 260ha, xưa chỉ chuyên 1 vụ lúa. Các giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất như giống Bắc Thơm, Hương Thơm. Vụ đông cũng phát triển với cây trồng phong phú như ngô, khoai tây, đậu đỗ các loại. Cùng đó, dựa vào tiến bộ khoa học, kỹ thuật với nguồn vốn ưu đãi này kịp thời, bà con dân tộc nơi đây đã đưa giống cỏ, nấm ăn, nấm dược liệu, chè sạch năng xuất cao, chất lượng tốt vào thay thế cho giống cũ thoái hóa.

Chưa dừng lại đó, nguồn vốn ưu đãi còn hỗ trợ cho chăn nuôi đại gia súc, tận dụng thế mạnh của đồi rừng cũng bắt đầu phát triển. Lợi dụng mặt nước, 12 hộ nông dân đã sử dụng vốn vay ưu đãi cùng số tiền tự đóng góp ban đầu của gia đình nuôi thuỷ sản trên 33ha mặt nước, vừa qua thu hàng trăm tấn cá bán cho người tiêu dùng ở thị trấn và nước bạn Lào cận kề biên giới.

“Từ ngày xây dựng Nông thôn mới và được vay nhiều vốn ưu đãi, bà con phát triển sản xuất mạnh mẽ, không những thế người dân còn được dùng cả nước sạch, nấu bằng gas, ăn gạo ngọn, khoẻ mạnh lắm…” Đó là tâm sự của ông Lò Văn Viên - Trưởng bản Pha Đin, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh biên giới Điện Biên.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác